SlideShare a Scribd company logo
1 of 144
Download to read offline
THÍCH HUỆ THÔNG




         ĐỨC PHẬT
            VÀ
    CON ĐƯỜNG TUỆ GIÁC




NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA SÀI GÒN - 2010
TT THÍCH HUỆ THÔNG




MỤC LỤC

Lời tựa
PHẦN1:
HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT
Chương 1: Đôi nét về tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời Đức Phật.
Chương 2: Đôi nét về tư tưởng triết học tại Ấn Độ thời Đức Phật.
Chương 3: Hoàn cảnh chính trị xã hội Ấn Độ thời Đức Phật ra đời.
PHẦN 2:
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT
Chương 1: Thái tử Tất Đạt Đa chào đời (Đức Phật đản sanh).
Chương 2: Nguồn gốc Thái tử Tất Đạt Đa.
Chương 3: Niên đại Đức Phật đản sanh, vấn đề đến nay vẫn chưa thống nhất.
Chương 4: Thái tử Tất Đạt Đa – tuổi thơ và thời niên thiếu.
Chương 5: Thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia.
Chương 6: Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật.
Chương 7: Đức Phật nhập Niết Bàn.
PHẦN 3:
HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH
Chương 1: Thời thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển.
Chương 2: Giáo lý căn bản và thực tiễn tu hành mà Đức Phật đã dạy.
Chương 3: Đức Phật thâu nhận đệ tử và thành lập Giáo hội Tỳ kheo.
Chương 4: Thành lập Giáo hội Tỳ kheo ni.
Chương 5: Nguồn gốc an cư tịnh nghiệp đạo tràng.
Chương 6: Sự hoằng pháp của Đức Phật đối với các vị vua.
PHẦN 4:
NHÂN CÁCH VĂN HÓA CỦA ĐỨC PHẬT
Chương 1: Những đặc điểm tâm lý của Đức Phật.
Chương 2: Nhân cách văn hóa của Đức Phật.
Chương 3: Cách ứng xử của Đức Phật với quốc gia.
Chương 4: Cách ứng xử của Đức Phật với những người quyền quý.
Chương 5: Cách ứng xử của Đức Phật với những người cùng khổ.
Chương 6: Cách ứng xử của Đức Phật với những người phụ nữ.
Chương 7: Cách ứng xử của Đức Phật với loài vật.
PHẦN 5:
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC ĐẾN ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI TỪ NGUỒN TUỆ
GIÁC CỦA ĐỨC PHẬT
Chương 1: Đạo Phật với nền hòa bình nhân loại.
Chương 2: Đạo Phật với môi trường sinh thái.
Chương 3: Những lời vàng của Đức Phật.




                                                                              2
TT THÍCH HUỆ THÔNG



                                                LỜI TỰA

       Tính đến nay, đạo Phật đã tồn tại và phát triển trên hành tinh này trên 2550 năm, dù có
lúc thịnh lúc suy, có lúc thăng lúc trầm, nhưng ánh sáng giác ngộ của đạo Phật vẫn không
ngừng soi sáng con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Một điều hiển nhiên nữa, bất cứ
nơi nào ánh sáng trí tuệ và suối nguồn yêu thương từ bi vô hạn của đức Phật soi rọi đến, thì nơi
đó, bóng đêm si mê ám chướng được xua tan, hận thù ân oán đối với chúng sanh được hóa
giải, đời sống tinh thần của từng cá thể được quân bình ổn định, đời sống xã hội thêm phồn
vinh hạnh phúc, đời sống nhân loại nhờ đó được hòa bình an lạc.
       Cuộc đời của đức Phật đã ghi đậm dấu ấn nhân bản cao thượng và nhân văn sâu đậm
trong tâm khảm loài người trên toàn thế giới; giáo pháp của ngài đã ảnh hưởng một cách rộng
lớn, thiết thực, lâu dài và vô cùng lợi ích trong đời sống con người. Tinh thần từ bi và trí tuệ
của một bậc giác ngộ như đức Phật của chúng ta quả có sức ảnh hưởng sâu sắc đến lợi lích và
đời sống của nhân loại.
       Mục đích sâu xa và ý nghĩa thiêng liêng về sự ra đời của đức Phật chính là nhằm khai
hóa ánh sáng trí tuệ và khơi nguồn yêu thương trong đời sống nhân loại một cách toàn diện và
triệt để. Về điều này, chúng tôi cho rằng, chỉ có cách phát triển trí tuệ và tâm từ bi một cách
triệt để trong đời sống mỗi con người, đánh động lương tri và phát triển tình yêu thương một
cách toàn diện trong đời sống cộng đồng, thì chúng ta mới có thể mang lại an lạc thật sự cho
nhân loại, mang lại hòa bình lâu dài bền vững cho thế giới.
       Sự thị hiện lòng từ bi giáo hóa chúng sanh của đức Phật rất gần gũi, rất thực tế, rất tự
nhiên và giàu cảm xúc, điều này đã tác động sâu xa vào tâm thức con người. Sự thị hiện đó, dù
xảy ra cách nay đã trên 2550 rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn thấy giáo pháp của Ngài là rất
khoa học và không hề bị lỗi thời.
       Nay thông qua giáo pháp, ánh sáng trí tuệ và suối nguồn yêu thương chúng sanh vô hạn
của đức Phật đã và đang dần dần truyền sang mỗi chúng ta. Khi chúng ta mở lòng, tiếp nhận
nguồn tuệ giác và thọ cảm đại bi tâm từ nơi đức Phật, thì bắt đầu từ trong tiềm thức sâu xa và
trong tâm hồn sâu lắng của mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều, cũng sẽ hình thành nên một nhân
cách sống đạo để chuyen hóa nghiệp lực bản thân. Nhân cách văn hóa đặc thù tâm linh này
cũng sẽ góp phần chuyển hóa đời sống còn nhiều khổ đau của nhân loại, mà chúng tôi cho
rằng, nó rất cần thiết cho đời sống xã hội trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nền tảng, là tiền
đề để giới Tăng Ni Phật tử nói riêng và toàn xã hội nói chung, cùng nhau chung tay tích cực
góp phần xây dựng nên một thế giới an lạc, hòa bình lâu dài và bền vững.
       Nhìn lại lịch sử hoằng hóa độ sanh của đức Bổn Sư, chúng ta vô cùng cảm kích trước
công đức trí tuệ và lòng từ bi yêu thương chúng sanh của Ngài. Từ lúc hành đạo cho đến thời
khắc nhập niết bàn, đức Phật đã tùy căn cơ mà hóa độ chúng sanh không hề ngưng nghỉ. Có
thể nói rằng, hết thảy dòng tư tưởng và nguồn minh triết trên thế gian này thảy đều trở nên bại
hoại và hư huyễn một khi đối mặt trước trí tuệ siêu phàm và giáo pháp thâm sâu vi diệu của
đức Phật.
       Điểm nổi bật tràn đầy cảm xúc nơi giáo pháp của Ngài, đó là sự thương tưởng đến chúng
sanh, cụ thể là luôn hướng đến nỗi đau bất hạnh của nhân loại, tùy căn cơ trình độ mỗi người,
Ngài đã đưa ra những phương pháp giúp họ vượt thoát khổ đau luân hồi sanh tử, như Ngài đã
từng dạy: “Nước trong bốn bể chỉ có một vị, đó là vị mặn. Giáo pháp mênh mông của Như Lai
cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Mà thật vậy, đối với hàng vua chúa, đức Phật đã dạy
họ hãy làm phước thiện, bố thí cúng dường, cách ứng xử đạo nghĩa trong gia đình cũng như
quan hệ ngoài xã hội; đối với Phật tử tại gia, Ngài trao truyền Tam quy, Ngũ giới, dạy hành
Thập Thiện, tu Bát Chánh Đạo; đối với người xuất gia, ngài giảng về pháp môn Tứ Đế, Thập
Nhị Nhân Duyên; đối với hàng thượng căn thượng trí, Ngài tuyên bày Bát Nhã, trực chỉ Tánh
Không. Ngài đã phương tiện từ thấp đến cao, tự cạn đến sâu, tùy căn cơ, tùy nghiệp lực…
Ngài đều ban rải từ tâm, giáo hóa đến hơi thở cuối cùng, khiến hằng hà vô lượng chúng sanh
được giác ngộ giải thoát.
       Đức Phật thị hiện trên cõi đời này dưới hình thức một con người, ngài muốn chứng minh
rằng con người có một địa vị tối tôn tối thắng trong thế giới muôn loài và trung tâm của vũ trụ. Tuy
nhiên ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy rằng, dù con người có khôn ngoan bao nhiêu đi chăng
nữa, dù nhân loại có đạt đến đỉnh cao của nền văn minh như thế nào đi chăng nữa, mà tâm hồn vẫn
còn chứa đầy tham, sân, si, ái, ố , hỷ, nộ, vẫn còn nhân, ngã, bỉ, thử… thì nhân loại trên thế giới
                                                                                                  3
TT THÍCH HUỆ THÔNG



này vẫn còn hận thù, vẫn còn bất an đau khổ. Đồng thời đức Phật cũng đã chỉ cho chúng ta biết
rằng, con người không những chỉ thông minh uyên bác mà còn có thể đạt đến Tuệ Giác do quá
trình tu tập giác ngộ, chứ không phải nhờ vào sự thông minh học hỏi. Trí tuệ từ sở học càng
đạt đến đỉnh cao thì cố chấp càng lớn, ngã mạn càng tăng, ngược lại, nhờ Tuệ Giác mà chúng
ta có thể loại bỏ thói hư tật xấu, chuyển hóa vô minh, phá trừ ngã chấp… Nhờ có Tuệ Giác mà
chúng ta mới thấy được tự tánh của các pháp là vô thường, vô ngã… Chính nhờ Tuệ Giác mà
chúng ta thấy rằng, giữa chúng ta và muôn loài luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau như ruột thịt,
do vậy chúng ta mới biết thương yêu nhau, bảo vệ cho nhau, chung sống với nhau trong ngôi nhà
hòa bình trên thế giới. Còn ngược lại thì thế giới mãi là bãi chiến trường đầy dẫy đua tranh, hận
thù, bất an, đau khổ…
       Đức Phật ở trong tôi cũng là một con người bằng xương bằng thịt, trong lòng cũng tràn
đầy cảm xúc, ngài cũng sinh ra và rồi cũng giã từ cõi đời này cũng như bao con người khác
trên thế gian, chứ không phải là một siêu nhân hay một đấng thần linh được tô vẽ đươm nhiều
màu sắc tín ngưỡng hoang đường và bí ẩn. Nếu có khác chúng ta chăng, thì ngài là một con
người viên mãn về đạo đức và trí tuệ, bởi ngài là con người đầu tiên trên thế giới này nhận ra
chân tướng của nhân sinh vũ trụ và nơi chân tâm ngài tròn đầy đức hạnh từ bi hỷ xa.
       Từ những cảm nhận sâu sắc về thâm ân của đức Phật đối với bản thân tôi cũng như đối
với thế giới loài người, hoài bão của tôi là sẽ cố gắng biên soạn một bộ sách khiêm tốn về cuộc
đời và giáo pháp của đức Phật. Do để tâm đến việc này nên tôi đã tập hợp lại các bài mà tôi đã
thuyết giảng tại các pháp hội suốt mười mấy năm qua và nhất là trước cơ duyên đại lễ Phật
Đản LHQ 2008, Ban Trị Sự THPG tỉnh Bình Dương đứng ra tổ chức Hội thảo Khoa học Phật
giáo chủ đề “Đạo Phật Với Xã Hội Công Bằng Dân Chủ Và Văn Minh”, trong dịp này, với tư
cách là chủ tọa, tôi cũng đã nhiệt tình đóng góp cho hội thảo bản tham luận “Đôi điều về nhân
cách văn hóa của đức Phật và những ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân loại từ giáo pháp
của Ngài”. Có thể nói nhân duyên này đã tạo thêm nguồn cảm hứng và thôi thúc bản thân tôi
hoàn thiện hoài bão mà bấy lâu nay hằng ấp ủ.
       Cuốn sách này có tựa đề “Đức Phật và con đường tuệ giác”, cùng với những cảm nghĩ
mà chúng tôi trình bày trên đây cũng đã nói lên toàn bộ chủ đích và nội dung của sách. Do đó
chúng tôi không bàn đến những truyền thuyết mang tính phi lịch sử bao quanh cuộc đời đức
Phật. Mặc khác, từ trước đến nay, đã có rất nhiều sách viết về cuộc đời đức Phật, tuy nhiên
phần nhiều chỉ chú trọng đến sử liệu thậm chí khai thác về tính linh thiêng huyền bí của cuộc
đời đức Phật, chính vì vậy mà nội dung rất dễ bị khô khan, đồng thời khó phát huy được tính
truyền cảm trung thực về cuộc đời đức Phật vốn sinh động và rất gần gũi với đời sống con
người. Do vậy, trong cuốn sách này chúng tôi đã kết hợp tính nghiên cứu thông qua các sử liệu
đáng tin cậy về lịch sử đức Phật và tính khảo luận thông qua những lợi ích thiết thực mà con
đường tuệ giác đã mang lại cho đời sống nhân loại. Trong phần khảo luận, xuất phát từ cảm
nhận của cá nhân và quan sát trên đời sống thực tế nên khó tránh khỏi chủ quan sơ xuất, do
vậy chúng tôi rất cần sự cảm thông chia sẻ của bạn đọc.
       Đối với các loại sách biên soạn về nhân vật lịch sử như về cuộc đời đức Phật chẳng hạn,
về sử liệu, đa phần sách soạn sau trùng lặp sách soạn trước, nếu khác chăng là ở phương pháp
hệ thống có khoa học hay chưa để giúp cho người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin và điều
quan trọng nhất là ở mục đích biên soạn sách.
       Như đã trình bày ở trên, mục đích chúng tôi biên soạn sách này là mong muốn được tôn
vinh và tán thán đức Phật một cách gần gũi với đời sống con người, bởi đức Phật cũng là một
con người bằng xương bằng thịt như tất cả chúng ta, khác chăng ngài là một con người đã giác
ngộ. Với lòng từ bi vô hạn, ngài đã đem sự giác ngộ của bản thân để hóa độ những người chưa
giác ngộ như chúng ta, điều này có nghĩa, chúng ta sẽ theo học giáo pháp của đức Phật, hành
trì theo lời dạy của ngài để được giác ngộ như ngài. Chính những suy nghĩ như vậy, đối với
chúng tôi, nhân cách của đức Phật là biểu hiện về một nhân cách sống, một sự sống có ý nghĩa
tuyệt vời nhất trong thế giới loài ngưòi, nó hiện hữu nơi một con người bằng xương bằng thịt
trên thế gian này cách đây trên 2.550 năm.
       Cuốn “Đức Phật và con đường tuệ giác” được chia thành 5 phần. Ba phần đầu ghi
nhận lại cuộc đời của đức Phật, suốt quá trình từ đản sanh cho đến thành Phật, hoằng hóa độ
sanh và nhập niết bàn. Trong ba phần đầu chủ yếu thiên về sử liệu, tuy nhiên chúng tôi đã cố
gắng trình bày một cách uyển chuyển tạo cảm giác dễ gần cho người đọc. Hai phần sau chúng
tôi nói về nhân cách văn hóa của đức Phật thông qua cách ứng xử với con người, với thế giới

                                                                                                 4
TT THÍCH HUỆ THÔNG



xung quanh và những ảnh hưởng tích cực từ nguồn tuệ giác của đức Phật đến đời sống nhân
loại. Trong hai phần này, chúng tôi cố gắng diễn đạt mối tương quan mật thiết giữa giáo pháp
của đức Phật với đời sống thực tế của nhân loại. Vì đây là một cuốn sách viết về lịch sử đức
Phật có nguồn gốc xuất xứ từ kinh tạng Pali thuộc hệ Phật giáo Nam Tông, nên có rất nhiều
danh từ riêng và thuật ngữ Phật học dùng theo tiếng Pali, để bạn đọc dễ dàng theo dõi nội dung
sách, chúng tôi sử dụng các từ ngữ đã phiên âm tiếng Việt, còn tiếng Pali hay Sanskrit chúng
tôi chỉ để trong ngoặc đơn và chỉ mở ngoặc một lần đối với danh từ riêng đó. Ví dụ: Lâm tì ni
(Lumbini) Câu thi na (Kusinara) hay Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu)…
      Dù chỉ là công việc nghiên cứu, chắt lọc và hệ thống, nhưng đối với chúng tôi việc thực
hiện cuốn sách này quả là một thách thức, một công việc tưởng chừng khó có thể hoàn thành
trong hoàn cảnh bản thân còn rất nhiều Phật sự phải gánh vác. Thế nhưng thật hạnh phúc đối
với chúng tôi vì cuối cùng ấn phẩm cũng đã hoàn thành.
      Riêng đối với chúng tôi, cuốn sách viết về cuộc đời đức Phật và giáo pháp của Ngài, còn
là một công trình văn hóa mang ý nghĩa thiêng liêng, bởi đây là ấn phẩm rất đặc biệt nhằm kỷ
niệm ngày khánh thành tượng đài đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài nhất Việt Nam, đặt tại
Trung tâm Phật học Bình Dương vừa mới xây dựng hoàn thành tại chùa Hội Khánh.
      Nay cuốn sách “Đức Phật và con đường tuệ giác” được ra mắt bạn đọc xa gần, thiết
nghĩ dù còn rất khiêm tốn và không tránh khỏi những mặt hạn chế nhất định, nhưng chúng tôi
cho rằng, đây cũng là một viên gạch nhỏ đóng góp thêm vào ngôi nhà văn hóa Phật giáo nước
nhà. Hy vọng đây cũng sẽ là một món quà bổ ích và thật sự có ý nghĩa dành cho những ai để
tâm nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và giáo pháp của đức Phật.



                       Chùa Hội Khánh, kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn
                                    Rằm tháng 2 năm Canh Dần. PL.2554. DL.2010
                                                    Thượng tọa Thích Huệ Thông




                                                                                            5
TT THÍCH HUỆ THÔNG



                                     PHẦN MỘT



                             HOÀN CẢNH
                        CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẤN ĐỘ
                            THỜI ĐỨC PHẬT




                                          CHƯƠNG MỘT

                             ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO
                         ĐÃ CÓ TẠI ẤN ĐỘ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT

      Đối với người Việt Nam chúng ta, nhất là đối với giới Phật tử, khi nói đến đất nước Ấn
Độ, chúng ta liên tưởng ngay đó là cái nôi thiêng liêng của đạo Phật, nơi đức Phật đản sinh,
hoằng pháp độ sanh và muôn nghìn điều kỳ diệu xoay quanh cuộc đời đức Phật cho đến khi
ngài nhập niết bàn. Tuy nhiên ít ai biết Ấn Độ còn là cái nôi rất lớn của các hệ phái tư tưởng
siêu nhiên và tôn giáo huyền bí có mặt rất sớm trên thế giới này.
      Lịch sử Phật giáo ghi chép, trước thời đức Phật ra đời, so với các nền văn hóa khu vực và
vùng phụ cận thì văn hóa Ấn Độ đã phát triển tới một trình độ khá cao. Kết quả này là nhờ tư
tưởng sáng tạo và tính năng động thực tiễn của người Arya.
      Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là một quốc gia bao gồm nhiều sắc tộc và ngôn ngữ nhất
trên hành tinh này, dù là một quốc gia có rất nhiều sắc tộc, nhưng mọi sự chi phối liên quan
đến đất nước Ấn Độ vào thời đó đều lệ thuộc vào hai sắc tộc chính, đó là sắc tộc bản địa
Dravida có nước da nâu, tầm vóc thấp bé, đặc điểm là mũi tẹt di truyền của người châu Á và
sắc tộc chiếm cư Arya có nguồn gốc lâu đời từ Đông Âu với nước da trắng, tầm vóc cao lớn,
họ có cái mũi rất cao và thẳng, điều này rất dễ phân biệt với người bản địa Dravida.
      Khởi nguồn, giống người Arya cư trú tại miền Trung Á, (Trung ương Á Tế Á) họ sống
bằng nghề du mục, sau đó họ vượt qua dãy núi Hin đu (Hindukush) rồi thẳng tiến xuống vùng
Đông Nam. Một bộ phận người Arya di chuyển về hướng Tây Nam, tức nước Ba Tư (nay là
Iran), bộ phận còn lại tiếp tục di chuyển xuống hướng Đông Nam, xâm nhập vào lãnh thổ Ấn
Độ ở phía Tây Bắc. Khi đó người Arya đánh đuổi người dân bản địa Dravida để chiếm vùng
Parijab, thuộc thượng lưu sông Indus. Từ đó giống người này được gọi là dân tộc Arya Ấn Độ.
      Sau khi chiếm được Panjab, chinh phục được người Dravida, người Arya liền bắt tay xây
dựng, biến phần lớn đất nước Ấn Độ trở thành một xã hội rất phồn thịnh, kinh tế xã hội lúc bấy
giờ rất phát đạt, đặc biệt về mặt văn hóa tư tưởng, dân tộc Arya Ấn Độ này đã sáng chế ra bộ
kinh điển Lê Câu Phệ Đà, chúng ta thường gọi là Vệ Đà (Rg Veda) gồm 1208 khúc thánh ca
gói gọn trong 40 quyển. Trong hệ thống thư tịch kinh điển nhân loại, có thể nói, bộ kinh Vệ Đà
được xem là một trong số rất hiếm nguồn tư tưởng triết học cổ đại xuất hiện khá sớm trên hành
tinh này. Đây cũng chính là nguồn tư tưởng văn hóa mang đậm dấu ấn tôn giáo siêu hình đã
được hình thành vào thời kỳ đầu tiên của Bà La Môn giáo, ước tính cách nay khoảng 1500
năm trước công nguyên.
      Xét về nội dung, kinh điển Vệ Đà, đa phần là những bài tán thán ca ngợi quyền năng của
thượng đế và những vị thần linh tràn đầy tính thần thoại huyền hoặc, tuy nhiên trong toàn bộ
                                                                                             6
TT THÍCH HUỆ THÔNG



kinh Vệ Đà cũng ẩn chứa tư tưởng chiều sâu về nhân sinh và vũ trụ, điều này đã mở đầu cho
nền văn minh triết học Ấn Độ, đây cũng là cơ sở để cho người đời sau phát triển trào lưu tư
tưởng dưới các hình thái cách tân hay ở một chiều sâu tư duy có nhận thức đúng hướng và lý
luận thực tiễn với đời sống con người hơn.
       Cũng cần nói thêm, nếu nói hệ thống kinh điển của đạo Phật (cả Nam tông và Bắc tông)
được hình thành từ ánh sáng trí tuệ do sự tu hành chứng ngộ thật tướng nhân sinh vũ trụ của
đức Phật, thì kinh điển Vệ Đà, dù xuất hiện trước thời đức Phật tại thế trên cả ngàn năm,
nhưng đó chỉ là sản phẩm của sự tư duy lẫn ước vọng khát khao được khám phá thế giới siêu
hình của những người Arya Ấn Độ. Trong chiều sâu của đời sống nội tâm, những tư tưởng gia,
triết học gia thời Ấn Độ cổ đại gần như bị lẩn quẩn xoay quanh trong vòng tâm thức của chính
mình, vì thế sự chấp nhận một đấng thượng đế siêu hình thiêng liêng hiện diện trong tâm thức
họ để họ tôn thờ xưng tán là điều hiển nhiên không có gì phải nói. Có thể nói đây là một biện
pháp để tự trấn an và cũng là để phó thác vận mệnh của mình cho thần linh thượng đế của đại
bộ phận loài người khi chưa có ánh sáng giác ngộ soi rọi đến, khi chưa có đường hướng tu tập
giải thoát cho bản thân mỗi con người.
       Tuy nhiên chính nguồn tư tưởng tôn giáo này cộng thêm sự phấn khích do quá ảo tưởng
về những cảnh giới siêu nhiên đã phát khởi nên nguồn tri thức tâm linh sơ khai. Những nhà tư
tưởng tôn giáo đã chuyển tải nguồn tri thức ấy vào những bài đạo ca được dàn trải trong kinh
Vệ Đà, nhằm tôn vinh tán thán thượng đế và các đấng thần linh với nội dung mang đầy tính
huyền hoặc và bí ẩn, đồng thời cũng rất thụ động và lệ thuộc.
       Dù sao, cách đây trên 3500 năm, thì tinh thần và nội dung của kinh Vệ Đà cũng đã nói
lên được tính chiêm nghiệm cũng như khát khao hướng về những cảnh giới siêu hình và cũng
đã bộc phát lên được nguồn tri thức tâm linh cao cả mà con người thời đó đang sở hữu. Chính
những điều này đã làm cho kinh Vệ Đà trở thành một thư tịch văn hóa cổ quan trọng của nhân
loại nói chung và là một tạng kinh thư tối cổ của Ấn Độ nói riêng. Cho đến nay chúng ta vẫn
chưa xác định được một cách chính xác kinh Vệ Đà xuất hiện tại Ấn Độ vào thời đại nào,
nhưng theo các tài liệu lưu hành phổ biến thì chúng ta có thể tạm chấp nhận là kinh Vệ Đà
xuất hiện tại Ấn Độ cách nay khoảng 1500 năm trước công nguyên.
       Ngự trị trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Ấn qua gần 5 thế kỷ, tư tưởng Vệ
Đà được xem là nguồn tư tưởng tôn giáo thiêng liêng thuộc thời kỳ thứ nhất của Bà La Môn
giáo, cũng dần dần lùi bước nhường chỗ cho thời kỳ có tính cách canh tân trong tư tưởng tôn
giáo thuộc thời kỳ thứ hai của Bà La Môn giáo ra đời. Đó là thời kỳ tư tưởng Phạm Thư
(Bràhmanas) hay còn gọi là thời đại Bà La Môn, xuất hiện cách nay khoảng 1000 năm trước
công nguyên.
       Đặc điểm xã hội Ấn Độ vào thời kỳ này là sự hùng mạnh của dân tộc Arya Ấn Độ. Sau
khi ổn định và phát triển nhiều vùng lãnh thổ, họ tiến về phía Đông, lần lượt đánh chiếm rộng
thêm các vùng đồng bằng phì nhiêu dọc theo bờ sông Hằng, nơi dân tộc bản địa Dravida và
các dân tộc thiểu số Ấn Độ khác đang sinh sống. Sau khi bình ổn những vùng này, họ nhanh
chóng bắt tay vào việc canh tác cấy cày, lấy nông nghiệp làm nền kinh tế chủ lực, các thủ lĩnh
dân tộc Arya Ấn Độ chia nhau lãnh địa rồi xưng vương, đặt ra các chức quan lại để trị vì, bắt
người thứ dân nghèo khó của các dân tộc khác làm nô lệ. Xã hội Ấn Độ bấy giờ chia làm bốn
giai cấp bất bình đẳng. Đứng đầu là giai cấp Bà La Môn chủ trương truyền bá đạo Bà La Môn
sâu rộng trong tầng lớp nhân dân và đảm nhận tổ chức thực hiện các nghi lễ thờ cúng tôn giáo.
Giai cấp cao quý thứ hai là giai cấp Sát Đế Lợi (Ksatriya) gồm vua quan và hoàng tộc, đây là
giai cấp nắm quyền thống trị, điều hành xã hội. Kế đến là giai cấp bình dân Tỳ Xá (Vaisya)
gồm những thường dân sống bằng nghề làm nông, tiểu thủ công và buôn bán. Cuối cùng là
giai cấp Thủ Đà La (Sùdra) là những người nô lệ, trong đời sống họ không có một quyền hạn
nào cả, kể cả quyền được làm người, được xem là giai cấp thấp hèn hạ liệt nhất trong xã hội
Ấn Độ thời bấy giờ. Chính vì chủ trương việc truyền bá đạo Bà La Môn và rất chú trọng công
việc tế lễ thờ cúng, nên những nhà tư tưởng Bà La Môn giáo đã sáng chế ra kinh điển Phạm
Thư, trong đó họ chú thích và thuyết minh để làm sáng tỏ ý nghĩa kinh điển Vệ Đà.
       Nếu nội dung kinh Vệ Đà là những bài ca mang tính thần thoại, trong đó bao hàm tư
tưởng về vũ trụ quan và nhân sinh quan, thì nội dung tư tưởng tôn giáo trong kinh sách Phạm
Thư toàn bộ lại mang đậm tính chất thần học. Nhìn vào tư tưởng Phạm Thư, chúng ta sẽ thấy
trong đó được chia ra làm ba giai đoạn rất trình tự. Giai đoạn đầu lấy Đấng Sáng Tạo
(Prajapati) được xem là đấng tạo ra thế giới vạn vật làm trung tâm. Theo tinh thần Phạm Thư

                                                                                            7
TT THÍCH HUỆ THÔNG



thì cái gốc sinh ra vũ trụ, trời đất, hư không, thần mặt trời, thần gió, thần lửa, con người và vạn
vật được gọi chung là Đấng Sáng Tạo, cũng gọi là Thần tối cao hay là Thượng đế tối cao. Qua
đó chúng ta có thể xếp giai đoạn đầu thuộc về quan niệm sáng tạo. Giai đoạn thứ hai, tư tưởng
Phạm Thư lấy Đại Ngã (Bràhaman) làm trung tâm, ở giai đoạn này Đại Ngã thay thế Đấng
Sáng Tạo chi phối các vị thần linh, nó được xác lập trên hai phương diện, vừa duy trì bản chất
bất biến bất động của bản thân, vừa hoạt động theo hai yếu tố Danh (Nàma) và Sắc (Rùpa)
triển khai hoạt động mọi loài mọi vật đang tồn tại. Giai đoạn thứ ba, lấy Tự Ngã (Àtman) làm
trung tâm. Tư tưởng Phạm Thư cho rằng Đại Ngã hay Tự Ngã vốn đồng một thể, nó chỉ khác
nhau tên gọi mà thôi. Đại Ngã là nói về vũ trụ còn Tự Ngã là nói về yếu tố tinh thần cũng như
tâm lý của con người. Căn cứ vào tư tưởng tôn giáo của kinh sách Phạm Thư thì tâm lý thuộc
về linh hồn bất diệt, nghĩa là khi Tự Ngã lìa hẳn thân xác này thì linh hồn con người được trở
về với Đại Ngã. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng tư tưởng Phạm Thư dù được phát triển trên
nền tảng tư tưởng Vệ Đà, dù vẫn còn bế tắc lẫn quẩn trong phạm trù tư tưởng nhưng nó đã
phần nào thể hiện ý chí đột phá trong tâm thức của người Ấn Độ thời cổ đại trong xu hướng
chiêm nghiệm chân tướng nhân sinh vũ trụ.
       Nối tiếp tư tưởng Phạm Thư là tư tưởng Áo Nghĩa Thư (Upanishad) được hình thành
trong khoảng 700 năm trước công nguyên. Đây là nguồn tư tưởng thuộc thời kỳ thứ ba của Bà
La Môn giáo. Nội dung tư tưởng Áo Nghĩa Thư nói về lý tưởng giải thoát trên nền tảng Phạm
Ngã đồng nhất. Trong đó lý tưởng giải thoát cũng được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ
nhất, tư tưởng Áo NghĩaThư nêu lên việc đi tìm lối giải thoát thì phải hướng vào nội tâm chứ
không thể hướng ra bên ngoài mà được, tư tưởng này cho rằng tự giác là nhân của giải thoát và
bất giác là nhân của luân hồi. Giai đoạn thứ hai, tư tưởng Áo Nghĩa Thư hướng dẫn con người
cần phải an trụ vào nội tâm và phát huy phần trí tuệ thì mới có thể đạt đến trạng thái giải thoát
của tâm hồn. Giai đoạn thứ ba, Áo Nghĩa Thư chú trọng đến phương pháp tu Du già (Yoga) để
an định tâm hồn và phát huy trí tuệ. Theo Áo Nghĩa Thư thì một tín đồ Bà La Môn giáo nếu
dựa theo trình tự tu tập như thế này thì chân ngã sẽ hiển bày, nếu tu hành liên tục và rốt ráo thì
Tự Ngã sẽ trở thành Đại Ngã, tức là Phạm Ngã đồng nhất thể, khi đó hành giả sẽ chấm dứt
kiếp sống luân hồi, đạt được cảnh giới giải thoát của tâm hồn. Đây là nguồn tư tưởng được
xem là kết quả của sự chiêm nghiệm có tư duy tương đối đúng hướng của những nhà tư tưởng
triết học theo đạo Bà La Môn thời bấy giờ. Dù Áo Nghĩa Thư được hình thành trước thời đức
Phật khoảng hai thế kỷ và còn cách xa với chân lý giác ngộ của đức Phật, nhưng qua đó có thể
nói rằng, tư tưởng Áo Nghĩa Thư quả là một sự chuyển mình vượt bậc và khá sớm trong tư
tưởng giải thoát tìm về đời sống tâm linh của người Ấn Độ cổ đại.
       Nói về các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời đức Phật, nhiều nhà
nghiên cứu chỉ chú trọng đến hai thời kỳ chính hình thành nên nguồn tư tưởng triết học căn cơ
của Bà La Môn giáo. Đó là thời kỳ tư tưởng Vệ Đà và thời kỳ tư tưởng Áo Nghĩa Thư mà
thường bỏ qua thời kỳ Phạm Thư, có lẽ họ xét thấy không cần thiết phải đi sâu vào phần
chuyển tiếp này vì cho rằng tư tưởng Phạm Thư chẳng qua chỉ là phần chú thích và thuyết
minh về kinh điển Vệ Đà. Tuy nhiên theo suy nghĩ của chúng tôi thì tư tưởng Phạm Thư là
phần mô tả cụ thể nhất về chủ nghĩa thần học, đây là nền tảng để họ quay về Tự Ngã và cũng
là nền tảng để những nhà triết học Bà La Môn tiếp tục cho ra đời tư tưởng Áo Nghĩa Thư có
chiều sâu tư duy và chiêm nghiệm dày dặn hơn như chúng tôi đã nói ở trên.
       Chúng tôi thiết nghĩ một khi đã đề cập đến các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ
trước thời đức Phật, thì cũng nên liệt kê sao cho tương đối đầy đủ và hệ thống lại một cách
trình tự hơn. Qua tham khảo nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, thì ngoài kinh Vệ Đà (khoảng
1500 năm trước CN) được xem là tài liệu tối cổ của văn hóa Ấn Độ, thì bên cạnh đó chúng ta
còn thấy có các bộ kinh Yajurveda, Sàmaveda và Atharvaveda cũng được xem là các thánh
kinh của Bà La Môn giáo. Khoảng 500 năm sau (khoảng 1000 năm trước CN) xuất hiện kinh
Phạm Thư (Bràhmana). Sau đó mới xuất hiện các bộ kinh Àranyakas và Áo Nghĩa Thư
(khoảng 700 trước CN). Trong suốt chặng đường phát triển nguồn tư tưởng tôn giáo tại Ấn Độ
trải dài trên tám trăm năm, nhìn chung chỉ có bộ Áo Nghĩa Thư là toát lên được tinh thần cải
cách chiều hướng tâm linh, là nền tảng cho một bộ phận tín đồ Bà La Môn giáo và giới trí thức
đương thời hướng đến con đường giải thoát cụ thể hơn. Tại đất nước Ấn Độ, Áo Nghĩa Thư
được xem là lá cờ đầu của phong trào đi tìm tự do cho đời sống tâm linh.
       Khi nhìn lại khởi đầu sự tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa một cách khách quan, chúng ta
sẽ nhận thấy, chính đời sống tu hành của các đạo sĩ Bà La Môn đã từng cuốn hút Thái tử Tất

                                                                                                 8
TT THÍCH HUỆ THÔNG



Đạt Đa vào con đường tu hành ép xác khổ hạnh và cũng chính tinh thần Áo Nghĩa Thư đã hấp
dẫn Thái tử Tất Đạt Đa vào con đường tu hành thiền định theo lối tu Yoga của Bà La Môn
giáo. Quả thật thú vị vì cũng nhờ trải nghiệm qua vô số phương pháp tu hành của Bà La Môn
giáo với hệ quả không mấy sáng sủa nên cuối cùng Thái tử Tất Đạt Đa đã quay về với con
đường trung đạo, tự tìm hướng đi giải thoát cho bản thân mình.
      Lịch sử đức Phật ghi lại rằng, sau khi theo các đạo sĩ Bà La Môn tu hành ép xác và thực
hành các pháp thiền định Yoga, dù ngài rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn không thành tựu. Cuối
cùng Thái tử đã từ bỏ lối tu ép xác và ăn uống trở lại bình thường, nhờ đó sức khỏe dần dần
hồi phục. Từ đó Thái tử đã chiêm nghiệm ra rằng, chỉ đi theo con đường trung đạo và thiền
định có chánh kiến thì mới có thể đạt được mục tiêu giác ngộ tối thượng.
      Sau khi rời bỏ những đạo sĩ Bà La Môn mà ngài đã thọ giáo trước đây, Thái tử đã đến
bên bờ sông Ni Liên Thuyền và ngồi xuống dưới cội cây Tất Bà La hay còn gọi là Bồ đề
(Bodhi), theo tư thế ngồi kiết già (hoa sen). Khung cảnh ngoạn mục bên bờ sông Ni Liên đã
làm cho ngài cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nơi đây có không gian thoáng đãng đã làm êm
dịu giác quan và phấn khích tinh thần ngài rất cao. Trong một không gian trong lành, mát mẻ,
yên tỉnh, vắng lặng, nhất là với một sức khỏe đã hồi phục và một ý chí kiên cường bất khuất,
Thái tử đã tập trung hết tinh thần, dồn mọi nỗ lực công phu thiền định, nhờ đó ngài đã gột rửa,
thanh lọc làm cho tâm trở nên trong sạch vắng lặng tận cùng. Bằng công phu thiền định ngài
lần lượt chứng nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền rồi đến tứ thiền. Khi tâm đã thanh tịnh cùng
tột, ngài đã vận dụng thiền Minh Sát Tuệ (Vipassanà Bhàvanà) quán sâu vào cảnh giới thanh
tịnh của tâm. Ngài đã vận dụng Thiền Minh Sát Tuệ không ngừng nghỉ, trải qua suốt 49 ngày
đêm. Cuối cùng ngài đã chứng được thực tướng của vạn pháp, sáng tỏ được nghĩa như của bổn
tâm, thấy rõ các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã (Anicca, Dulclckha, Anattà). Chính
nhờ thiền định và thiền quán, ngài đã thấu triệt thật tướng nhân sinh vũ trụ. Vị Thái tử ở nước
Ấn Độ ấy, chính là đức Phật, một hiện thân tích cực đã hoàn thiện bước đi tìm lại cội nguồn
bản thể của con người.
      Ở đây chúng ta nhận thấy, trên bước đường tìm đạo giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi,
Thái tử Tất Đạt Đa đã thể hiện hai giai đoạn tu tập thiền. Đầu tiên là phương pháp thiền theo
cách tu tập Yoga của Bà La Môn giáo, sau đó là phương pháp tu tập thiền định Minh Sát Tuệ
để đi đến giải thoát. Với phương pháp sau cùng, ngài đã đạt được kết quả vô cùng mỹ mãn,
chứng ngộ bản tâm thanh tịnh của chính mình, thành bậc Đẳng Chánh Giác.
      Sở dĩ chúng tôi đề cập đến các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời đức
Phật cũng như tư tưởng triết học tại Ấn Độ thời đức Phật trong chương đầu sách này vì nhận
thấy các nguồn tư tưởng tôn giáo và triết học có một mối liên hệ rất mật thiết với từng bước
đường hành đạo của Thái tử Tất Đạt Đa, cũng qua đó để quý Phật tử có sự so sánh tính ưu việt
rốt ráo trong giáo pháp của đức Phật với các nguồn tư tưởng của các đạo giáo tại Ấn Độ.




                                       CHƯƠNG HAI
                             ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC
                             TẠI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT RA ĐỜI

      Khi nói đến tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, chúng ta cần nên hiểu một cách phân minh
rằng, nền tư tưởng triết học đó thực chất là nguồn sữa trưởng dưỡng và nuôi lớn đời sống tinh
thần của các tín đồ Bà La Môn giáo, cho nên trong khoảng thời gian này chúng ta cũng có thể
nói tư tưởng triết học cũng chính là tư tưởng tôn giáo, hay nói một cách chuẩn xác hơn thì đó
là những tư tưởng Bà La Môn giáo.


                                                                                             9
TT THÍCH HUỆ THÔNG



       Trong khoảng thời gian dài gần cả một ngàn năm, các tư tưởng Bà La Môn giáo, từ Vệ
Đà, Phạm Thư cho đến Áo Nghĩa Thư thực sự đã làm chủ tể và là linh hồn trong mọi hoạt
động tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Ấn. Cho đến vào khoảng 600 năm trước công
nguyên trở về sau này, khi các thế lực chính thống của Bà La Môn giáo trở nên suy yếu hẳn đi,
thì sự chi phối có tính chất độc quyền của tư tưởng Bà La Môn giáo mới chựng lại và nhường
chỗ cho nhiều luồng tư tưởng triết học tôn giáo mới ra đời.
       Đọc qua triết học Ấn Độ và tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ cùng với một số
kinh điển và sử liệu Phật giáo, chúng tôi nhận thấy rằng, đỉnh cao trong hệ tư tưởng của Bà La
Môn giáo chính là tư tưởng Áo Nghĩa Thư, ngoại trừ kinh sách Phật giáo ra và nếu làm một
phép so sánh với các tư tưởng triết học đã có mặt tại Ấn Độ thời bấy giờ thì Áo Nghĩa Thư quả
là một pho sách chứa đựng tư tưởng tâm linh thâm sâu hơn cả. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, các
đạo sĩ Bà La Môn họ vẫn chưa khai thác triệt để tinh thần Áo Nghĩa Thư vào đời sống tu tập,
không những vậy họ còn duy trì và phát triển các truyền thống có tính chất hủ lậu và lỗi thời
trong tư tưởng Vệ Đà, họ tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giữa tập cấp có đặc quyền và các tập
cấp hạ tiện yếm thế. Diễn biến này kéo dài gần hai thế kỷ, cho mãi đến khi đức Phật ra đời, chỉ
có một bộ phận nhỏ nhoi đạo sĩ Bà La Môn là thú hướng vào tư tưởng Áo Nghĩa Thư phát
triển con đường tu tập, còn phần đông chức sắc và tín đồ Bà La Môn giáo đã chuyển hẳn sang
hình thức tế lễ chuyên nghiệp. Trước sự kiêu mạn của các tu sĩ Bà La Môn, cộng thêm với
những tốn kém vô tội vạ phục vụ việc cúng tế đã khiến cho tín đồ Bà La Môn và những người
thật tâm muốn tìm cầu đời sống giải thoát tâm linh đều trở nên bất mãn. Một điều cũng dễ
dàng nhận thấy nữa là, tập cấp Bà La Môn đã luôn tận dụng các buổi thiết lễ tế đàn kéo dài
nhiều ngày và các hình thức cúng tế phổ biến trong đời sống làm công cụ chèn ép moi móc
tiền tài phẩm vật của quần chúng nhân dân một cách hết sức vô lý. Trong thời kỳ này, những
tu sĩ Bà La Môn kiêu mạn trở nên những kẻ sống an nhàn vương giả bởi cuộc sống của họ chỉ
biết trục lợi trên sự mê muội và yếm thế của người dân. Chính sự độc quyền của tập cấp Bà La
Môn và sự bất mãn tột độ của người dân đã làm cho không khí xã hội lúc bấy giờ trở nên ngột
ngạt khó thở, đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều học thuyết mới ra đời nhằm đáp ứng
nguyện vọng tìm hướng đi cho đời sống tâm linh của người dân Ấn Độ đang trong tình trạng
bế tắc. Và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu đã khiến cho các thế lực chính thống của Bà La
Môn giáo không còn ở thế đứng thượng phong trong việc độc quyền chân lý, tập cấp Bà La
Môn vì vậy mà ngày càng trở nên suy yếu. Trước bối cảnh này, vô số học thuyết tư tưởng triết
học tôn giáo đã bừng nở, ngoài những trường phái tư tưởng triết học vẫn còn chịu ảnh hưởng
trực tiếp hay gián tiếp của hệ tư tưởng bà La Môn giáo mà chúng tôi sẽ đề cập đến, thì nổi bật
lên có Kỳ Na giáo và Lục Sư Ngoại Đạo phái.
       Kỳ Na giáo (Jaina) hay còn gọi là đạo Kỳ Na, do giáo chủ có tên là Đại Hùng
(Vardhamana) sáng lập ra. Kỳ Na giáo chủ trương thuyết Vật Hoạt Luận và tư tưởng triết học
căn bản của đạo này là Thực thể (Dravaya). Thực thể chia ra làm hai trạng thái: Sinh mệnh
(Java) và Phi sinh mệnh (Ajava). Theo học thuyết này, Sinh mệnh bao gồm lý trí và tình cảm
còn Phi sinh mệnh được phân chia thành năm thứ: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp
(Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Trong đó Không dung chứa hết mọi nơi
mọi chốn, Vật chất là nhục thể, Pháp là nguyên lý vận động, Phi pháp là nguyên lý đình chỉ,
Thời gian là nguyên lý biến hóa. Tư tưởng Kỳ Na giáo cho rằng yếu tố Sinh mệnh và Phi sinh
mệnh gắn kết với nhau nên từ đó sinh ra phiền não. Do có phiền não nên không thoát khỏi
vòng luân hồi. Vì mong muốn thoát khỏi vòng luân hồi nên Kỳ Na giáo chủ trương lấy khổ
hạnh làm mục đích tôn chỉ để tu hành. Tư tưởng Kỳ Na giáo còn có chủ trương lối sống Bất
tổn sanh (Ahimsha) được xem là điểm gần gũi và tương đồng với tinh thần từ bi Bất sát của
đạo Phật.
       Cũng trên chủ thuyết Vật Hoạt Luận, Kỳ Na giáo quan niệm vũ trụ vốn là một vật thể có
cấu trúc rộng lớn không ngằn mé và phụ thuộc vào các chu kỳ vô tận của thời gian. Theo kinh
điển của Kỳ Na ghi chép lại rằng, mỗi chu kỳ thời gian sẽ bao gồm một nửa tiến bộ và một nửa
thoái bộ. Trong từng nửa chu kỳ sẽ có 24 người chiến thắng xuất hiện làm đại sư để dẫn dắt
loài người đi tới con đường giải thoát. Cũng theo kinh này thì người chiến thắng đầu tiên trong
nửa chu kỳ đầu là Rashabha, vị này đã tạo ra nền văn minh, dạy nhân loại hướng đến con
đường giải thoát và sống đến sáu trăm ngàn năm. Lần lượt đến người chiến thắng thứ 23 là
Parshva xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 9 trước công nguyên, vị này đã có công thiết lập nên các
đoàn thể tu hành. Và Đại Hùng là người chiến thắng thứ 24 được môn đồ Kỳ Na giáo xem là

                                                                                            10
TT THÍCH HUỆ THÔNG



vị giáo chủ sáng lập ra đạo Kỳ Na. Theo truyền thống của đạo Kỳ Na thì các tín đồ có nhiệm
vụ thờ phượng 24 vị giáo chủ đã chiến thắng trong nửa chu kỳ qua. Đối với giáo chủ Đại Hùng
thì tín đồ Kỳ Na giáo rất thành kính trọng vọng vì ngài là vị chiến thắng gần đây nhất, đồng
thời họ xem ngài là vị giáo chủ quyền năng và mẫu mực để họ noi theo.
       Nói về Lục sư ngoại đạo, đối với người học Phật, chắc có lẽ chúng ta cũng đã từng một
lần nghe nhắc đến danh từ này, nhất là trong những lúc trao đổi chuyện trò với một người
ngoại đạo có lý luận càn gở đến nỗi khiến chúng ta phải bực mình, hoặc có khi chúng ta bị bắt
bí không trả lời được, khi đó chúng ta thường cho rằng mình gặp phải Lục sư ngoại đạo! Điều
này chứng tỏ trong cảm nghĩ chúng ta thường cho rằng Lục sư ngoại đạo vừa rất ngông cuồng,
vừa rất tài giỏi trong biện minh lý luận đồng thời cũng rất sở trường các món thần thông biến
hóa. Như vậy Lục sư ngoại đạo là ai? Họ có thực sự tài giỏi như vậy không? Có lẽ đây là cơ
hội mà chúng ta sẽ được giải đáp một cách thỏa đáng nhất khi để tâm tìm hiểu qua về Lục sư
ngoại đạo.
       Căn cứ vào kinh điển và sử liệu Phật giáo thì lúc Phật tại thế có sáu nhà ngoại đạo chủ
trương sáu lý thuyết khác nhau nên trong kinh điển Phật giáo thường gọi họ là Lục sư ngoại
đạo. Đại cương về lý thuyết của sáu phái ngoại đạo này như sau:
       1. Phái Phú Nan Đà Ca Diếp (Pùrama Kàssápa): Đây là phái chủ trương thuyết ngẫu
nhiên, họ không tin luật nhân quả, cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của con người
chỉ là ngẫu nhiên. Chính vì vậy mà họ không biết gieo nhân thánh thiện tránh nhân bất thiện,
khi họ gặp may mắn thì sung sướng, gặp chuyện bất trắc thì bất an sầu khổ. Đạo Phật gọi phái
này là ngoại đạo “Vát vô nhân quả”.
       2. Phái Mạt Già Lê Câu Xá Lợi (Makkhali Gosàla): Phái này chủ trương thuyết tự nhiên,
cũng có nghĩa là không tin luật nhân quả, họ cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của
con người cũng chỉ là tự nhiên mà sinh, tự nhiên mà diệt, không do ảnh hưởng của bất cứ một
nguyên nhân nào cả. Đạo Phật gọi phái này là “Tà mệnh ngoại đạo”.
       3. Phái A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La (Ajitakesa Kambali): Phái này chủ trương thuyết
duy vật luận, họ cho rằng thân thể con người là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) kết hợp mà
thành, nên khi con người chết đi thì tứ đại trở về tứ đại. Thuyết này không đề cập đến tâm linh
hay linh hồn, do vậy họ không chú trọng đến phương diện tinh thần hay đạo đức, chính vì vậy
mà mục đích sống của họ là chỉ để hưởng thụ khoái lạc thân xác mà thôi. Họ được gọi là phái
“Khoái lạc ngoại đạo”.
       4. Phái Bà Phù Đà Ca Chiên Diên (Pakhdha Katyàyana): Phái này chủ trương thuyết sinh
mệnh và vật chất đều bất hoại, họ cho rằng tất cả các loài vật trên thế gian này được tạo thành
là nương vào sự hòa hợp của bảy yếu tố đất, nước, gió, lửa, vui, khổ, mạng sống. Họ cho rằng
sự sinh tử chỉ là một chu kỳ tụ hay tán của bảy yếu tố nêu trên, mà bảy yếu tố đó thì thường trụ
bất diệt, nên họ không xem trọng việc sinh tử. Do vậy mà phái này được gọi là phái “Tà kiến
ngoại đạo”.
       5. Phái Tán Nhạ Gia Tỳ La Lê Tử (Anjaya Belatthiputta): Phái này chủ trương thuyết tu
định, họ cho rằng chân lý cũng có thể biến đổi, nên không cần phải tu đạo mà chỉ nên tu tập
thiền định. Vì đưa ra học thuyết quái gở này nên họ được xem là phái “Ngụy biện ngoại đạo”.
       6. Phái Ni Kiền Đà Nhã Đề tử (Nigantha Nàtaputta): Phái này chủ trương tu khổ hạnh,
họ cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của con người đều do tiền nghiệp tiền căn đã
định, do vậy muốn thoát ra khỏi tiền nghiệp đó thì cần phải tu hành khổ hạnh mới mong được
giải nghiệp. Chính vì vậy mà phái này được gọi là phái “Khổ hạnh ngoại đạo”.
       Trên đây chúng tôi đã tóm lược những học thuyết, chủ trương của Kỳ Na giáo và Lục sư
ngoại đạo phái. Dù học thuyết của Kỳ Na giáo rất mơ hồ huyền hoặc và chủ trương của Lục
Sư Ngoại Đạo phái rất tà kiến ngụy biện, nhưng có một điểm đáng lưu ý ở đây là các chủ
trương học thuyết này hoàn toàn độc lập, không hề chịu bất cứ ảnh hưởng nào của tư tưởng Bà
La Môn. Đây là dấu ấn đánh dấu sự khởi đầu của trào lưu tư tưởng triết học mang tính tự do đi
tìm chân lý của người dân Ấn Độ, thoát hẳn khỏi sự kìm tỏa bởi tư tưởng của Bà La Môn giáo
đã có tại Ấn Độ hàng ngàn năm qua.
       Như chúng tôi đã nói, khi các thế lực chính thống của Bà La Môn giáo không còn ở thế
độc quyền chân lý, tập cấp Bà La Môn ngày càng trở nên suy yếu. Trước bối cảnh này, vô số
học thuyết tư tưởng triết học tôn giáo đã bừng nở, ngoài các chủ trương học thuyết mang tính
độc lập tự phát như Kỳ Na giáo và Lục Sư Ngoại Đạo phái mà chúng tôi đã trình bày, thì còn
có sáu trường phái tư tưởng triết học vẫn còn chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của hệ tư

                                                                                             11
TT THÍCH HUỆ THÔNG



tưởng bà La Môn giáo vừa ra đời. Lược sử và đại cương của sáu trường phái triết học này như
sau:
       1. Trường phái triết học Chính Lý (Nyàya): Thủy tổ của trường phái triết học Chính Lý
là ngài Túc Mục (Aksapàda). Phái triết học này thuộc hệ đa nguyên luận, lấy kinh điển Nyàya
Sùtra làm căn bản hành trì. Về quan niệm nhân sinh, học thuyết chủ trương lấy sự giải thoát
khổ đau làm phương châm sống ở đời và tu đạo. Trọng tâm của triết học Chính Lý cho rằng,
sự khổ tồn tại nơi bản thân nơi mỗi con người trên thế gian này mà nguyên nhân được sinh ra
(Janma) là do tác nghiệp (Pravrtti), lại cho rằng tác nghiệp sẽ làm cơ sở phiền não (Dosa) dấy
khởi, mà phiền não là căn bản của vô tri (Mithyajnàna), vậy muốn lìa khổ thì phải diệt vô tri,
diệt được vô tri thì sẽ được giải thoát (Nihsreyasa) an vui. Mới nhìn qua chúng ta sẽ nhận thấy
lý thuyết này có điểm tương đồng lý Thập Nhị Nhân Duyên trong Phật giáo, tuy nhiên chiêm
nghiệm kỹ càng chúng ta sẽ thấy nó vẫn chưa rốt ráo và cũng chưa trình bày rõ quan điểm giải
thoát và giác ngộ. Chẳng hạn giải thoát cái gì? Giác ngộ cái gì?... Đứng trên phương diện lý
luận thì phái Chính Lý có phương pháp lập luận rất chặt chẽ, sâu sắc, có thể nói rằng nó độc
đáo hơn cả Tam đoạn luận của Aristote, bởi vì phương pháp lý luận của phái này, ngoài Tôn
(Pratijanà), Nhân (Hetu), Dụ (Udàhadana) họ còn có thêm hai chi Hợp (Upanaya) và Kết
(Nigamana) tỏ ra rất chắc chắn vững vàng. Chính nhờ sự sâu sắc chặt chẽ trong phương cách
lập luận này mà về sau đã được các hai bậc luận sư lỗi lạc cao thâm trong Phật giáo là ngài
Thương Yết La Chủ (SanKàra Svamin) và ngài Trần Na (Dìgna) làm cho hoàn chỉnh rốt ráo và
đó cũng là cơ sở hình thành nên môn luận lý học sau này. Môn luận lý học này trong Phật giáo
gọi là Nhân minh luận.
       2. Trường phái triết học Thắng Luận (Vaisésika): Tổ sư khai sáng ra trường phái Thắng
Luận là ngài Ca Nan Đà (Kanàda). Tư tưởng của phái triết học này được xây dựng trên quan
điểm lập trường tự nhiên luận để giải thích các hiện tượng trong vũ trụ. Có sử liệu ghi chép,
phái này chủ trương thuyết “Thanh thường trụ” (ý nói âm thanh thường còn bất biến) và xem
đó là khám phá cao siêu thời bấy giờ.
       Về phương diện thế giới quan thì phái Thắng Luận thường y cứ nơi kinh Vaisesika Sùtra
làm căn bản lý luận. Trong kinh Vaisesika Sùtra nêu ra sáu phạm trù: Thực cú nghĩa (Dravya
Padàrtha), Đức cú nghĩa (Guna Padàrtha), Nghiệp cú nghĩa (Karma Padàrtha) , Đồng cú nghĩa
(Sàmànya Padàrtha), Dị cú nghĩa (Visésa Padàrtha) và Hòa hợp cú nghĩa (Samavàya
Padàrtha). Theo thuyết này, đầu tiên người ta chỉ quan sát vạn vật ở phần cụ thể, tức những gì
có thể nắm bắt được, mà bỏ qua những phần trạng thái, tính chất, vận động, sở dĩ như vậy là
nhằm đạt tới khái niệm thực thể của vạn hữu. Để thuận theo nguyên lý này thì phải y cứ vào
phạm trù thứ nhất là Thực cú nghĩa. Các phạm trù khác trong kinh Vaisesika Sùtra cũng nêu ra
những lập luận tương ứng với từng phạm trù tương tự. Tuy nhiên trên căn bản để thuyết minh
và lý giải về bản chất cũng như các hiện tượng trong đời sống, học phái này cho rằng, vạn hữu
đều do ba nguyên lý “Thực, Đức, Nghiệp” (giống như ba phạm trù Thể, Tướng, Dụng trong
Phật giáo) kết hợp lại mà thành. Nếu ba nguyên lý cùng quan hệ mật thiết thì lập thành Đồng
cú nghĩa. Nếu ba nguyên lý đó phản đối nhau thì lập thành Dị cú nghĩa, nếu cả năm nguyên lý
liên kết với nhau thì lập thành Hòa hợp cú nghĩa.
       Về phương diện nhân sinh quan, triết học Thắng Luận cho rằng con người được cấu
thành từ bởi tám yếu tố. Trước tiên là yếu tố Tự Ngã (Àtman) với thực thể không sanh không
diệt. Yếu tố thứ hai là Ý (Manas) được xem là cơ quan liên lạc giữa Tự ngã với ngũ căn. Năm
yếu tố kế tiếp là Ngũ đại, nó bao gồm Đất, Nước, Gió, Lửa, Hư Không. Thuyết này lập luận
rằng, ngũ căn là một dạng vật chất do ngũ đại tạo thành. Ví như Nhãn căn là do hỏa đại, Nhĩ
căn là do không đại, Tỷ căn là do địa đại, Thiệt căn là do thủy đại, Thân căn là do phong đại
tạo nên. Đồng thời đối tượng của ngũ căn là ngũ trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc. Trong khi
đó Tự Ngã là trung tâm, còn các cơ quan khác đều phụ thuộc để nhận thức và hành động.
Cùng với bảy yếu tố kể trên thì yếu tố quan trọng sau cùng là Nghiệp lực (Adrsta). Có thể nói
đây là yếu tố quyết định của sự luân hồi đau khổ hay sự giải thoát an lạc của con người. Bởi
theo học thuyết của trường phái này thì, do con người gieo tạo tích chứa nghiệp lực nên phải
chịu cảnh luân hồi. Muốn giải thoát khỏi luân hồi thì phải tiêu diệt nghiệp. Muốn tiêu diệt
nghiệp và chấm dứt nghiệp thì phải nỗ lực siêng tu khổ hạnh. Có kiên trì khổ hạnh thì mới có
thể đạt đến cảnh giới giải thoát an lạc của Tự Ngã. Chính quan niệm như vậy mà những người
theo trường phái triết học Thắng Luận rất chú trọng đến đời sống khổ hạnh, họ xem khổ hạnh
là lối sống cao cả và là mục đích lý tưởng của sự tu hành giải thoát.

                                                                                            12
TT THÍCH HUỆ THÔNG



      3. Trường phái triết học Nhĩ Man Tát (Mimàmsà): Khai sáng ra phái Nhĩ Man Tát là ngài
Sà Y Nhĩ Ni (Jaimini), giống như trường phái triết học Thắng Luận, phái này cũng chủ trương
thuyết “Thanh thường trụ”, họ căn cứ vào kinh Mimàmsà Sùtra và rất chú trọng phương diện
luân lý, đặc biệt phái này thừa hành triệt để các giới cấm (cấm chế) của đạo Bà La Môn như
trong kinh Vệ Đà đã ghi chép và họ lấy đó làm phương châm sống đạo. Có thể nói phái Nhĩ
Man Tát là sự kế thừa của phái Thắng Luận với sự cải cách đi sâu vào tâm hạnh vị tha hơn là
những lý luận khúc chiết từ căn bản của kinh Vaisesika Sùtra. Nói về tư tưởng giải thoát, phái
này lý luận rằng, trong đời sống cần phải trải lòng hy sinh chia sẻ thì ngay trong hiện tại và
trong cả kiếp vị lai mới có thể đạt được một đời sống sung sướng thoải mái. Học thuyết của
phái này dù thừa nhận có luân hồi tái sanh nhưng lại cho rằng không cần phải thoát ra khỏi
vòng luân hồi đó, vì họ quan niệm có được hạnh phúc hay không là do sự nỗ lực hy sinh trong
đời sống. Xét trên phương diện hành động trong cuộc sống thì chúng ta sẽ thấy họ rất gần gũi
với tâm hạnh bồ tát của đạo Phật bởi trong một phần của sự nỗ lực hy sinh đúng mục đích và
có ích, nó có thể đem lại điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Còn xét trên phương diện tư tưởng
thì chắc hẳn là không thể nào sánh với tư tưởng giải thoát và chánh kiến trong Phật giáo được.
      4. Trường phái triết học Số Luận (Sàmkhya): Sáng lập ra trường phái Số Luận là triết gia
Ca Tỳ La (Kapila). Phái triết học đề xướng thuyết nhị nguyên luận, phân biệt hai yếu tố tâm
linh và vật chất rất rành mạch. Yếu tố vật chất là yếu tố tạo nên vạn vật và cũng nhằm để chỉ
cho sum la vạn tượng trong đời sống, đối lập với vật chất là linh hồn. Theo thuyết này thì linh
hồn hoạt động tự do, khi nó kết hợp với vật chất thì tạo ra sinh vật. Họ cho rằng bản chất của
linh hồn thì không thay đổi hay biến động, còn vật chất thì biến hóa vô cùng. Căn bản của sự
biến hóa này là lệ thuộc vào ba tính chất Hỷ (Sattva), Ưu (Rajas) và Ám (Tamas) của linh hồn.
Ba tính chất này phái Số luận gọi là ba đức (Guna), họ căn cứ vào sự quan hệ của ba đức này
mà thuyết minh biện giải các hiện tượng trong thế giới. Cũng cần nói thêm, khi đề cập đến tên
của vị khai sáng ra trường phái triết học Số Luận, nhiều nguồn tư liệu cho rằng, Ca Tỳ La chưa
hẳn là tên thật của vị Tổ sư này mà là một danh hiệu mang tính chất tôn xưng, vì cho rằng chữ
Ca Tỳ La có nghĩa là “Bào thai của vũ trụ” nằm trong một bài tụng trong Svétásvatàra
Upanishad, đồng thời trong sách “Phật sở hành tán” (Buddhacarita), ngài Mã Minh
(Asvaghosa) một luận sư lỗi lạc của Phật giáo Đại thừa cũng cho rằng Ca Tỳ La có nghĩa là
“cha đẻ của thế giới” (Prajapati). Tuy có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhưng chúng ta vẫn
có thể tạm chấp nhận tên của vị khai sáng ra phái Số Luân là Ca Tỳ La, vì đây là tên gọi tương
đối phổ biến trong các sử liệu hiện đang lưu hành.
      5. Trường phái triết học Phệ Đàn Đa (Vedànta): Vị Tổ khai sáng ra trường phái Phệ Đàn
Đa là ngài Bà Đạt La Gia Na (Bàdarayana). Phái này căn cứ vào kinh Vedànta (cũng do ngài
Bà Đạt La Gia Na chế tác) để lý luận và làm tôn chỉ tu tập. Về tư tưởng, phái này cho rằng,
Đại Ngã là một thực thể siêu việt tối thượng và duy nhất, là tổng nguyên lý của vũ trụ và vạn
hữu. Vì quan niệm như vậy, nên họ lập luận rằng, Đại Ngã bao trùm thế gian vạn hữu hay nói
một cách khác hơn, khởi đầu hình thành nên thế giới này chính là từ Đại Ngã. Cũng từ Đại
Ngã triển khai ra các hiện tượng trong thế giới, theo trình tự nguyên lý vận hành, khởi đầu Đại
Ngã sinh ra “hư không”, “gió”, “lửa”, “nước”, “đất”. Sau đó chính sự kết hợp của năm nguyên
tố căn bản này đã tạo thành vật chất trên thế gian và toàn bộ thế giới hữu tình. Cũng giống như
nguồn tư tưởng lớn trong hai bộ kinh sách Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư trong giai đoạn khởi
đầu của Bà La Môn giáo, tư tưởng triết học của Phệ Đàn Đa cũng cho rằng Đại Ngã và Tự
Ngã đồng nhất thể, tuy nhiên trong triển khai thì phái này có ngôn ngữ lập luận khác hơn, họ
cho rằng, khi chưa sinh ra thì Tự Ngã là bào thai của Đại Ngã, khi đã sinh ra rồi thì Tự Ngã
(của con người) tách hẳn khỏi Đại Ngã và có một vị trí độc lập. Vì ở trong trạng thái độc lập,
nhất là do tính chất đặc thù của Tự Ngã là tư tưởng và hành vi thường tác nghiệp, từ việc tác
nghiệp tạo ra vô số nghiệp, nên phải chịu trạng thái luân hồi trong vũ trụ và khổ đau nơi bản
thân. Phái Phệ Đàn Đa cho rằng, hữu tình là bộ phận của Đại Ngã nên cũng đầy đủ thể tính
thanh tịnh như Đại Ngã, do đó họ chủ trương, muốn giải thoát thì Tự Ngã phải tu tập để quay
về Đại Ngã, khi sự tu tập tới đích thì Tự Ngã sẽ hòa nhập vào Đại Ngã, khi đó con người sẽ
hết luân hồi đau khổ.
      6. Trường phái triết học Du Già (Yoga): Đối với người Việt Nam chúng ta thì khi nói
đến Yoga thì chúng ta liên tưởng ngay đến một phương pháp tập luyện có chút hơi hám thiền
để dưỡng sinh hay rèn luyện sức khỏe. Thế như khi nghe nói đến Du Già thì có lẽ nhiều người
còn mơ hồ lúng túng… Điều này chứng tỏ phương pháp thiền Yoga của Ấn Độ đã thâm nhập

                                                                                            13
TT THÍCH HUỆ THÔNG



khá sâu vào đời sống các nước trong khu vực. Chính vì vậy mà trong trường phái triết học Du
Già này chúng tôi xin được gọi thẳng là phái Yoga để mọi người dễ tiếp nhận.
      Triết học Yoga có khởi nguồn sâu xa từ tư tưởng Áo Nghĩa Thư nói về lý tưởng giải
thoát trên nền tảng Phạm Ngã đồng nhất thể và chủ trương thiền Yoga để giải thoát. Về sau
ngài Bát Tử Xà Lê (Patanjali) đứng ra hệ thống trình tự và hoàn thiện phương pháp thiền
Yoga, đồng thời chế tác ra Kinh Yoga (Yoga Sùtra) làm kim chỉ nam cho trường phái này, nên
ngài Bát Tử Xà Lê được người đời tôn xưng Tổ sư khai sáng ra phái Yoga. Điều đáng tiếc là
mục tiêu tối thượng của phương pháp thiền Yoga nhằm giúp cho con người được giải thoát thì
hoàn toàn bất khả thi và cũng không thể nào đạt được.
      Nhưng dù sao thì tư tưởng triết học Yoga cũng là một trường phái có sức ảnh hưởng
tương đối lớn trong đời sống nhân loại, vì cho đến tận ngày nay, khắp mọi nơi trên thế giới, sự
thực hành rất phổ biến các phương pháp Yoga để dưỡng sinh, chữa bệnh hay nhiều mục đích
ích lợi khác phục vụ sức khỏe cho con người vẫn tiếp tục phát triển đã nói lên điều đó.
      Trong quá trình tu hành, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đã từng chịu ảnh hưởng lối tu khổ hạnh
của phái Thắng Luận và nhất là phương pháp tu tập thiền của phái Yoga này. Nhân đây chúng
tôi xét thấy cũng cần có đôi dòng tìm hiểu qua về thiền Yoga của Bà La Môn giáo.
      Phương pháp thực hành thiền Yoga được chia làm tám giai đoạn: 1-Yama: Cấm giới (
Tình yêu thương). 2-Niyama: Khuyến tu ( Tự ức chế tình dục). 3- Asana: Tọa pháp ( Điều
phục thân theo vị trí nhất định). 4-Prànàỳama: Điều tức ( Kiểm tra hơi thở). 5- Pratỳakàra: Chế
cảm( Điều hành tư duy). 6-Dhàrana: Chấp trì ( Chú ý). 7-Dhỳana: Tĩnh lự ( Thiền định). 8 -
Samàdhi: Đẳng trì ( Tập trung tư tưởng). Về cấm giới, thì hành giả phái Yoga phải giữ năm
giới cấm sau đây: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không tham
lam. Phạm trù này được xếp vào ý thức thụ động. Về khuyến tu thì hành giả phải thực hiện
năm việc: Thanh tịnh thân tâm, Ngăn ý, Khổ hạnh, Học tập kinh điển, Định thần. Phạm trù này
được xếp vào ý thức tích cực, chủ động. Đối với các giai đoạn còn lại thì, Tọa pháp là để điều
hòa thân thể, Điều tức là để điều hòa hô hấp, Chế cảm là để chế ngự ngũ căn, Chấp trì là để tập
trung tư tưởng, Tĩnh lự là để lắng tâm làm cho tâm được thanh tịnh, Đẳng trì là để tâm hoàn
toàn vắng lặng thanh tịnh sáng suốt. Đến giai đoạn cuối cùng này, hành giả Yoga có thể nói là
đã đạt được cảnh giới Tam muội (Sammadhi). Lúc này hành giả được giải thoát tự tại.
      Chúng tôi thiết nghĩ, nhân đây cũng cần vắn tắt đôi dòng để phân biệt giữa thiền Yoga
của Bà La Môn giáo và thiền Minh Sát Tuệ của Phật giáo.
      Nói về thiền Yoga của Bà La Môn giáo, căn cứ vào tám giai đoạn thực hành vừa nêu trên
đây và nhất là căn cứ vào Kinh Yoga, thì phương pháp thiền Yoga chính là một phương pháp
định tâm, sau đó thì an trú vào cảnh giới thanh tịnh được sinh ra từ trạng thái tâm định, hành
giả Yoga công phu an trú vào định càng sâu thì sở đắc càng cao… Còn nói về thiền Minh Sát
Tuệ (Vipassanà Bhàvanà) của Phật giáo, căn cứ vào kinh Maha Satipathàna thuộc Trường Bộ
Kinh (Dìgha Nikàya) thì đây là một phương pháp thiền quán, quán sâu vào trí huệ bát nhã, để
tường tận thật tướng của các pháp (Vô thường, Khổ, Vô ngã), cũng như trong Bát Nhã Tâm
Kinh đã dón gọn: “Hành thâm Bát nhã… Chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Độ nhất thiết khổ
ách” (Đi sâu vào Trí tuệ Bát Nhã… Nhìn thấy năm ấm đều không thật… Nên vượt qua hết
thảy khổ nạn). Như vậy Thiền của Phật giáo hoàn toàn không lấy trạng thái tâm định hay công
phu an trú vào sự định tâm để mong đắc quả hay giải thoát được.




                                                                                            14
TT THÍCH HUỆ THÔNG




                                   CHƯƠNG BA
                            HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI
                               ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT


      Một khi luận bàn về cuộc đời đức Phật và những ảnh hưởng tích cực từ giáo pháp của
ngài đến đời sống nhân loại, chúng tôi nghĩ rằng, không thể không bàn đến hoàn cảnh chính trị
xã hội Ấn Độ thời đức Phật ra đời, vì đây là những điều kiện khách quan và chủ quan đã hình
thành nên nhân cách siêu việt của đấng Đại Giác.
      Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn có diện tích 3.280.483m2, nằm ở trung tâm khu vực
Nam Á, phía Bắc là dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) trải dài đến phía Nam là Ấn Độ Dương.
Bắc Ấn Độ giáp Tây Tạng, Nepan, Bhutan; Đông Bắc giáp Miến Điện, Băng La Đét; Tây Bắc
giáp Ápganistan và Pakistan; Tây giáp biển Ả Rập, Đông giáp vịnh Ben Gan và phía Nam giáp
Ấn Độ Dương.
      Ấn Độ là một quốc gia đa sắc tộc và đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong sự đa dạng về sắc
tộc, nổi bật lên là sắc tộc bản địa Dravida và sắc tộc chiếm cư Arya có nguồn gốc từ Đông Âu.
      Theo lịch sử Ấn Độ ghi chép thì người Arya có sức khỏe vượt trội hơn người bản xứ và
nhất là kinh nghiệm trong chiến đấu. Điều này chứng tỏ tổ tiên lâu đời của người Arya từ
Đông Âu chắc hẳn đã trải qua bao phen chinh chiến và họ luôn chiến thắng đối phương nên
mới có thể có mặt ở vùng Trung Á vào trước thời kỳ này. Cũng chính nhờ lợi thế về thể chất
và trình độ tác chiến, họ đã dễ dàng chinh phục người dân bản xứ Dravida.
      Như chúng tôi đã trình bày, khi đã chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, người
Arya đã phân chia Ấn Độ thành bốn giai cấp. Đứng đầu là giai cấp Ba La Môn (Brahmin), giai
cấp này hầu hết là những tu sĩ Bà La Môn, họ cho mình là được sinh ra từ miệng của Phạm
Thiên, nên tự xem mình là cao quý nhất trong xã hội. Do vậy, giai cấp này đã độc quyền trong
việc nắm giữ chân lý và điều hành các nghi thức tế lễ thông linh giữa họ với các thần linh. Giai
cấp đứng thứ hai là Sát Đế Lợi (Ksatriya) gồm vua chúa và các vương công. Giai cấp thứ ba là
Phệ Xá (Vaisya) bao gồm hầu hết giới bình dân làm các ngành nghề trong xã hội. Hạ đẳng
nhất là giai cấp Thủ Đà La (Sudra) được xem là giai cấp bần cùng gồm những tiện nhân nô lệ.
Bà La Môn giáo quan niệm, tập cấp Thủ Đà La vốn sinh ra là để làm nô lệ, nên họ hoàn toàn
vô cảm trước nỗi khổ nhục bi thảm của tầng lớp này. Một điều đáng thương xót nữa là, tệ mạt
hơn cả giai cấp Thủ Đà La, xã hội Ấn Độ thời bấy giờ còn có một bộ phận người Paria mà luật
Mã Nỗ (Manu) của người Bà La Môn xếp vào hạng thấp hèn và bẩn thỉu nhất trong xã hội, họ
phải chịu cảnh sống thập thò lén lút trong vòng tăm tối như những chú chuột sợ bóng dáng con
người, chịu đắng cay tủi nhục gấp cả trăm lần so với những người nô lệ Thủ Đà La. Trong đời
sống xã hội, nếu những người Thủ Đà La và người Paria mà phạm phải những điều luật của Bà
La Môn giáo, như cãi lại lời các tu sĩ Bà La Môn, xung đột với những người thuộc tập cấp
trên, lén đọc kinh sách, thậm chí đi không nhường đường hay uống chung nguồn nước giếng
với người Bà La Môn chẳng hạn, thì họ phải nhận lãnh những hình phạt vô cùng dã man tàn
khốc từ phía những người nắm luật của Bà La Môn giáo.
      Giai cấp Bà La Môn đã định chế ra bốn giai cấp trên, rồi tự đặt mình ở địa vị tối cao. Đối
với những việc liên quan đến đời sống tâm linh, ba giai cấp còn lại đều phải lệ thuộc. Đặc biệt,
giai cấp hạ tiện Thủ Đà La và bộ phận người Paria luôn bị xã hội Ấn Độ đương thời khinh
miệt, họ bị cấm không cho dự phần vào tín ngưỡng tôn giáo, họ cũng không được pháp luật
bảo hộ.
      Trong xã hội đương thời, có thể xếp hai giai cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi là tầng lớp
thống trị và hai giai cấp bình dân Phệ Xá và tiện dân Thủ Đà La là tầng lớp bị thống trị. Cả
bốn giai cấp này đều theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, như trong dân gian ta thường nói
“Con vua thì được làm vua – Con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Chính vì vậy mà giai cấp thống


                                                                                             15
TT THÍCH HUỆ THÔNG



trị thì cứ mãi thống trị, còn giai cấp nô lệ bị trị thì cứ mãi lầm than nô lệ. Điều này đã tạo nên
một xã hội luôn mâu thuẫn và bất công triền miên dai dẳng thời bấy giờ.
       Vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên, Ấn Độ được hình thành giống như một
liên bang bao gồm nhiều tiểu quốc và các bộ tộc. Trong số nhiều tiểu quốc lúc bấy giờ, nổi bật
lên có bốn vương quốc thao túng nhiều quyền lực hơn cả. Đo là Vương quốc Kiều Tất La
(Kosala) đóng đô tại Xá Vệ (Savatthi), Vương quốc Vamsa đóng đô ở Kiều Thượng Di
(Kosambi), Vương quốc Avanti và Vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) có thành Vương Xá
(Rajagrha) nằm ở phía Nam sông Hằng. Bên cạnh những vương quốc rộng lớn và quyền thế
này là những tiểu quốc và bộ tộc bé nhỏ, đó là các bộ tộc Anga (Ương Già) có thành Chiêm Ba
(Campà), đối diện với nước này có bộ tộc Ly Xá Tỳ (Licchavi) có thành Phệ Xá Ly (Vesalì)
nằm ở hướng Đông bắc Ma Kiệt Đà. Ngoài ra còn có các bộ tộc Kathi (Kasi), Bà Ta (Vaccha),
Mạt La (Malla)… và bộ tộc Thích Ca nằm cận nhau ở phía Bắc nước Kiều Tất La, thuộc vùng
Bắc Trung Ấn.
       Có thể nói vào thời bấy giờ Ma Kiệt Đà và Kiều Tất La là hai trung tâm văn hóa lớn đã
làm rạng rỡ nền văn minh Ấn Độ. Đặc biệt, hai vương quốc này đã có rất nhiều quan hệ mật
thiết với Phật giáo ngay thời Phật còn tại thế.
       Dù vùng Trung Á rộng lớn với quần thể vương quốc, tiểu quốc và rất nhiều bộ tộc cộng
sinh cộng phát, nhưng có một điều khá thú vị là tại một trong số những bộ tộc bé nhỏ này đã
trở thành thánh địa thu hút sự chú ý và hướng về của nhân loại. Đó chính là bộ tộc Thích Ca
(Sakya), hay còn gọi là tiểu quốc cộng hòa Thích Ca với kinh đô là Ca Tỳ La Vệ
(Kapilavastu). Dù đây chỉ là một bộ tộc nhỏ bé nằm giữa ranh giới Ấn Độ và Nepal và nằm ở
phía Bắc vương quốc Kiều Tất La (Kosala) nhưng đã sản sinh ra một nhân vật xuất chúng của
nhân loại. Nhân vật trí tuệ kiệt xuất đó là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha), con của tiểu vương
Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Maja).
       Về thể chế chính trị, dân tộc chiếm cư Arya cầm quyền tại Ấn Độ thuận theo chính thể
cộng hòa. Trong bối cảnh chính trị xã hội đương thời, chính thể quân chủ chuyên chế đã được
hình thành và phát triển tại nhiều vương quốc và các bộ tộc, nhưng chế độ cộng hòa vẫn tồn tại
và phát triển mạnh ở hai vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) và Kiều Tất La (Kosala).
       Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bộ tộc nhỏ sống theo chính thể cộng hòa, trong đó
có bộ tộc Thích Ca. Chính thể cộng hòa Thích Ca thời bấy giờ dưới quyền cai trị điều hành
của hoàng tộc, đứng đầu là vua tịnh Phạn, nên việc truyền ngôi được diễn ra trong hoàng tộc.
Chính vì vậy mà vua Tịnh Phạn rất trông cậy vào Thái tử Tất Đạt Đa sẽ thay mình cai quản đất
nước sau này.
       Thế nhưng điều bất ngờ đối với vua Tịnh Phạn là Thái tử Tất Đạt Đa đã không để tâm
đến ngôi vị tương lai mà dốc hết tâm chí vào con đường tu hành giải thoát. Trước tình cảnh
này, bắt buộc hội đồng trưởng lão trong hoàng tộc phải nhóm họp lại để bầu ra một vị vua mới
theo đúng thông lệ trưng cầu để thống nhất ý kiến cuối cùng. Trình tự thông lệ này là, sau khi
có được kết quả, vị chủ tọa phải tuyên bố ba lần câu: “Ai đồng ý với kết quả này, xin giơ tay
biểu quyết”. Đây là thông lệ đã tồn tại hàng ngàn năm qua trong các bộ tộc tại Ấn Độ. Cho đến
nay, giới sử gia vẫn chưa tìm ra một nguồn tư liệu nào ghi nhận về diễn biến này, tuy nhiên
căn cứ vào các cuộc bầu cử thông qua truyền thống lấy ý kiến của những người có uy tín ngay
tại chỗ, thường diễn ra trong đời sống nhân gian, cũng đã phần nào khẳng định tính xác thực
của thông lệ này.
       Sở dĩ chúng tôi bàn chi tiết về trường hợp này là muốn nói đến mối dây liên hệ từ những
thông lệ bầu cử, bổ nhiệm, tôn vinh hay phê bình, kỷ luật ai đó của người Ấn thời xưa vẫn còn
ảnh hưởng thậm chí còn thấm sâu trong sinh hoạt Tăng đoàn của đức Phật ngày xưa và cả
ngày nay.
       Phần đông dân chúng tiểu quốc cộng hòa Thích Ca cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Vệ
Đà. Vào thời đức Phật, tư tưởng Vệ Đà cùng với nhiều hệ phái triết học tôn giáo khác, đã làm
cho đời sống tâm linh của người dân Ấn Độ trở nên mơ hồ và bị xáo trộn, trong khi họ rất khát
khao đi tìm chân lý.
       Nói về tiểu quốc cộng hòa Thích Ca, quê hương của đức Phật vốn là một đất nước thuần
nông. Tổ chức cơ cấu chính trị theo chế đo cộng hòa, đứng đầu là Tịnh Phạn vương. Vua Tịnh
Phạn có một đội ngũ thu thuế rất mạnh đủ để mang lại nguồn ngân sách dự trữ quốc gia. Cộng
hòa Thích Ca là chư hầu của đế quốc Kiều Tất La nên vua Tịnh Phạn thường phải đem cống
phẩm dâng nạp hằng năm với mục đích duy trì mối giao hòa và cũng có phần nương dựa vào

                                                                                               16
TT THÍCH HUỆ THÔNG



thế lực của đại quốc này. Tuy nhiên dù chỉ là một nước chư hầu, nhưng cộng hòa Thích Ca vẫn
luôn có một đội quân tinh nhuệ làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước chứ
không hoàn toàn phụ thuộc vào nước lớn. Trong kinh điển đã mô tả khá nhiều những cuộc
chiến có liên quan đến cộng hòa Thích Ca. Đức Phật đã từng dùng đức độ và tài lý luận đã hóa
giải thành công cuộc chiến giữa hai bộ tộc Thích Ca và Câu Ly. Theo suy nghĩ của chúng tôi,
có lẽ nhờ vào đại từ bi lực của ngài, nên đức Phật đã cảm hóa được những người đứng đầu hai
bộ tộc này biết hồi đầu hướng thiện, biết ăn năn sám hối, nhờ đó đã tránh được sự đổ máu cho
vô số người dân của cả hai bộ tộc. Tuy nhiên, đến khi nổ ra cuộc chiến một mất một còn với
vương quốc Kiều Tất La thì quân đội của cộng hòa Thích Ca đại bại và cuối cùng bị diệt vong.
Vì nghiệp chướng quá sâu dày, hơn nữa họ không hề nhường bước hay hồi đầu hướng thiện,
nên kết quả cuộc chiến diễn ra vô cùng thê thảm. Trước tình cảnh này, đức Phật cũng không
thể hóa giải được vì nhân duyên nghiệp báo giữa hai dân tộc này đã đến thời trổ quả. Điều này
cũng cho chúng ta thấy rằng, khi quả báo đến, nếu bản thân mỗi chúng ta không tha thiết ăn
năn sám hối, dẫu là đất nước của đức Phật, phụ vương của đức Phật, thì ngài cũng không thể
nào can thiệp được. Đây là triết lý nhân quả rất sâu sắc mà mỗi người con Phật cần phải xác
định rõ ràng để trong cuộc sống tránh được những hậu quả thảm khốc khôn lường… Về điều
này, trong kinh đức Phật cũng thường nhắc đến những cuộc chiến có liên quan đến tiểu quốc
Thích Ca nhỏ bé nơi ngài sinh ra và lớn lên, nhằm dạy cho chúng ta thấm nhuần đạo lý nhân
quả báo ứng trong đời sống hằng ngày.
      Như chúng ta đã biết xã hội Ấn Độ chia ra làm bốn giai cấp rõ rệt, về điều này chúng tôi
không bàn tới nữa, mà chỉ nói thêm đôi dòng về sinh hoạt mang tính quy định bắt buộc trong
nội bộ của tập cấp Bà La Môn. Các Tăng lữ Bà La Môn nắm thực quyền xã hội đã nương vào
đó mà đưa ra quy định tu hành cho giai cấp mình thành bốn thời kỳ như sau:
      1. Thời kỳ Phạm trí (Brahmacàrin): Đối với tín đồ Bà La Môn ở lứa tuổi niên thiếu từ 7
đến 11 tuổi, thì bắt buộc phải xuất gia theo các vị Tăng Bà La Môn để học tập kinh Vệ Đà, sau
khi học xong mới được trở về nhà.
      2. Thời kỳ Gia cư (Grhastha): Đến độ tuổi thanh niên là thời kỳ lập gia đình. Sau khi có
gia đình thì ở nhà trông nom con cái hoặc thực hiện trách nhiệm tế tự của người gia trưởng.
      3. Thời kỳ Lâm cư (vànaprastha): Đây là thời kỳ xuất gia trở lại sau khi hoàn thành trách
nhiệm với gia đình. Người xuất gia phải vào chốn rừng sâu để tu tập khổ hạnh và thiền định.
      4. Thời kỳ Du hành (Parivràjaka): Đây là thời kỳ về già của một tín đồ. Đến thời kỳ này
đòi hỏi thân tâm của một tín đồ Bà La Môn giáo phải thật sự thanh tịnh. Đặc biệt là nơi ở của
họ không cố định, nên người tu ở thời kỳ này còn được gọi là Hành giả (Yati) hay Khất sĩ
(Bhiksu).
      Người Bà La Môn giáo rất tự hào về bốn thời kỳ tu tập của đạo mình và xem đó là nếp
sinh hoạt tâm linh rất lý tưởng đối với họ. Trong suốt quá trình tu hành, nếu người nào đạt đến
cảnh giới giải thoát thanh tịnh thì được xã hội bấy giờ ngưỡng mộ trọng vọng…
      Nếu cho rằng bốn thời kỳ tu hành nêu trên là nét đặc thù của đạo Bà La Môn hay nói
đúng hơn là của tập cấp Bà La Môn, thì đối với tập cấp Phệ Xá tại tiểu quốc Thích Ca cũng có
những điều cần tìm hiểu.
      Ngoài bốn ngành nghề chính trong xã hội là Sĩ, Nông, Công, Thương; theo đà phát triển
của xã hội thì tập cấp Phệ Xá cũng đã phát sinh ra những ngành nghề thủ công hoặc kỹ thuật
khác, nổi bật lên có thể nói đến nghề kiến trúc xây dựng. Sở dĩ nghề kiến thiết xây dựng phát
triển mạnh tại tiểu quốc Thích Ca trong thời kỳ này, là vì vua Tịnh Phạn rất chú trong đến
công việc xây dựng cũng như trùng tu tái thiết. Những người thợ có sức khỏe và tay nghề cao
rất được nhà vua trọng dụng, chính nhờ vậy mà nhiều công trình xây dựng có tầm cỡ quy mô
được hình thành trong thời kỳ này. Đáng tiếc là tất cả đã trở thành bình địa khi xảy ra cuộc
chiến giữa bộ tộc Thích Ca và đế quốc Ma Kiệt Đà vào những năm tháng về sau. Ngày nay khi
chúng tôi đặt chân đến đất nước Ấn Độ, được đi tham quan một số thánh tích ghi lại dấu ấn
thời đức Phật tại thế, chúng tôi chợt nhận ra những công trình kiến trúc văn hóa tâm linh đó,
dù nó đã được thi công cách đây hàng mấy ngàn năm nhưng vẫn vững chãi trước thời gian và
hấp dẫn du khách vô cùng.
      Ngoài những người thợ trong ngành nghề kiến trúc xây dựng cũng như một số nghề thủ
công truyền thống khác thì xã hội Ấn Độ còn có những du ca tài tử rày đây mai đó, họ kiếm
sống bằng cách cất lên tiếng hát ngợi ca những anh hùng bất tử từ những bản trường ca huyền
thoại của người dân Ấn Độ. Bên cạnh những nghệ sĩ lãng tử hát rong, xã hội Ấn Độ bấy giờ

                                                                                            17
TT THÍCH HUỆ THÔNG



còn có những tay thảo khấu sống ngoài vòng pháp luật, đó là nỗi kinh hoàng cho những
thương nhân và những người lương thiện. Ngoài thành phần bất lương đầu trộm đuôi cướp ra,
còn có cả những kỹ nữ trong chốn kỹ viện hoa lâu hay những cô gái làng chơi hoạt động công
khai trên đường phố… Tất cả đã làm cho bức tranh xã hội Ấn Độ đương thời trở nên muôn
màu muôn vẻ…
       Một đặc điểm nổi bật trong xã hội Ấn Độ nói chung và trong nước cộng hòa Thích Ca
lúc bấy giờ là có rất nhiều người dấn thân vào con đường tu hành, đa số đều muốn thoát ly đời
sống xã hội, tìm cầu sự giải thoát giác ngộ. Đồng thời, cũng trong bối cảnh đó, xã hội Ấn Độ
cũng đã xuất hiện vô số phương pháp tu hành lập dị quái lạ, tất cả đều đượm màu huyền bí và
mê tín. Chẳng hạn có người thực hành cách tu đứng một chân, có người ngâm mình dưới sông
suốt mùa đông lạnh giá để cầu mong chứng quả, có người ngủ ngồi suốt cả đời để mong được
giải thoát, có người bện tóc suốt đời và cũng không hề vệ sinh tắm giặt như hai anh em ông
Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa). Trong vô số cách tu hành lập dị đó, có lẽ quái gở hơn cả là
cách tu của những vị tu sĩ chuyên bắt chước theo tập tính của loài bò và loài chó. Với cách tu
này, họ tự cột sừng bò lên đầu mình, cũng ăn cỏ như bò, rồi đi lòng vòng giống như lối sống
của bò, có khi rống như bò hoặc sủa như chó vậy. Trong kinh Pali cũng đã ghi chép những
cuộc gặp gỡ và đối đáp giữa đức Phật với những vị hành giả lập dị có một không hai trên thế
gian này...
       Như chúng ta đã biết, thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ đã xem tư tưởng Vệ Đà là nguồn minh
triết để giải thoát đời sống trần tục và sau đó là tư tưởng Áo Nghĩa Thư. Có điều, trải qua 8 thế
kỷ chuyển hóa tư tưởng, nhưng tinh thần và tư tưởng Áo Nghĩa Thư vẫn chưa cải thiện hố sâu
ngăn cách giữa các tầng lớp giai cấp, trong khi đó giai cấp Ba La Môn vẫn độc quyền trong
việc thờ cúng tế lễ và tự cho mình quyền hạn nắm giữ chân lý.
       Thời bấy giờ, việc tế lễ chuyên nghiệp của những tu sĩ Ba La Môn đã chiếm hẳn những
khoảng trống vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mọi người, mà đáng lý ra, đó là chỗ
dành cho tinh thần suy nghiệm triết lý nhân sinh, một nhu cầu tâm linh hướng nội rất cần thiết
đối với mọi người dân Ấn Độ. Việc tế lễ chuyên nghiệp đã khiến cho tu sĩ Bà La Môn trở nên
kiêu căng và sống trên lợi dưỡng, điều đáng trách là họ đã sống trên quyền hạn do họ tự đặt ra
và tồn tại trên sự mê muội của những người dân nô lệ. Trong thời điểm mà đời sống tâm linh
có nhiều bức xúc, điều này đã khiến cho vô số tư tưởng và trường phái triết học xuất hiện.
Trong đó nổi bật lên là Phật giáo, Kỳ Na giáo, Lục Sư ngoại đạo phái và sáu trường phái triết
học chánh thống nối tiếp tư tưởng từ kinh Vệ Đà lần lượt khai sinh.
       Chính những đặc điểm tư tưởng tâm linh đa sắc thái và vô cùng phức tạp này, thì sự xuất
hiện của đức Phật như là một trung tâm ánh sáng của tinh thần giác ngộ và giải thoát, đã thu
hút toàn bộ sự chú ý của cả bốn giai cấp đồng thời quay về quy y dưới chân đức Phật một cách
tự giác tự nguyện với tâm trạng hết sức vui mừng phấn khởi.
       Ngay từ khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật rất quan tâm đến phẩm hạnh đạo đức và trí
tuệ chứ không hề quan tâm đến giòng dõi hay sự thông minh tháo vát của con người. Đặc biệt
ngài luôn thực hiện nếp sống lục hòa bình đẳng trong Tăng chúng. Do vậy trong Tăng đoàn
không hề có ý niệm về giai cấp. Bất cứ ai, dù là thành phần giai cấp nào, khi đến với đức Phật
cũng đều được bình đẳng nghe pháp, để được đạt đến sự giải thoát giác ngộ rốt ráo như nhau.
Đọc qua kinh điển Phật giáo, chúng ta dễ dàng cảm nhận điều này khi chứng kiến cảnh tượng
và tình cảm nồng hậu mà đức Phật đã dành cho trong buổi đón tiếp ngài Ưu Ba Ly (Upàli) khi
đó ngài chỉ là một tiện dân. Sau khi được đức Phật cho thế phát xuất gia, ngài Ưu Ba Ly đã nỗ
lực tu hành và chứng được đạo quả, trở thành bậc “Trì Luật Đệ Nhất” trong giáo hội và là một
trong mười đại đệ tử của đức Phật. Có thể nói, tinh thần bình đẳng tuyệt đối của đức Phật trong
hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ đã nói lên một trong những tính cách siêu phàm của đức Phật.
       Tóm lại trong hoàn cảnh xã hội Ấn Độ đang bùng nổ các dòng tư tưởng và các tôn giáo
chủ trương cải thiện đời sống tâm linh nhưng lại đang rơi vào cảnh bế tắc… thì sự xuất hiện
kịp thời của đức Phật như là một vị cứu tinh không chỉ đối với người dân xứ Ấn mà còn đối
với cả nhân loại.




                                                                                              18
TT THÍCH HUỆ THÔNG




                         PHẦN HAI



                         SƠ LƯỢC
                     LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT




                                        19
TT THÍCH HUỆ THÔNG




                                            CHƯƠNG MỘT
                                 THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA CHÀO ĐỜI
                                       (ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH)
       Đối với một Phật tử, khi nói đến cuộc đời đức Phật, có lẽ chúng ta không thể nào quên
được cuốn truyện “Lịch sử đức Phật Thích Ca” bằng tranh, thời còn nhỏ, tôi đã được mẫu thân
mua cho cuốn truyện tranh này. Càng xem, càng hấp dẫn, xem hoài vẫn không thấy chán.
Ngay từ thuở bé mà cuộc đời đức Phật đã cuốn hút tôi như vậy.
       Khi bước sang tuổi thiếu niên, tôi lại có nhân duyên đọc được cuốn “Ánh Đạo Vàng”,
nói về cuộc đời đức Phật, của cố nhà văn Võ Đình Cường. Điều đặc biệt là không chỉ có mình
tôi thích đọc “Ánh Đạo Vàng” mà có rất nhiều người cũng thích đọc cuốn này. Theo tôi, có lẽ
ngoài tài diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ của nhà văn Võ Đình Cường, thì sự thành công của
tác phẩm này là tác giả đã khắc họa lên cuộc sống thời đại một đức Phật lịch sử vô cùng tôn
nghiêm cao quý nhưng lại rất gần gũi với đời sống con người.
       Ngày nay đã có rất nhiều người nghiên cứu và viết về cuộc đời đức Phật nhưng thường
quên những chi tiết mang tính lịch sử và truyền thống của đạo Phật. Khi chúng ta viết về lịch
sử đức Phật, thiết nghĩ, dù định hướng của chúng ta là viết về một đức Phật bằng xương bằng
thịt như bao con người khác trên thế gian, chứ không phải là một siêu nhân hay một đấng thần
linh được tô vẽ đươm nhiều màu sắc tín ngưỡng hoang đường hay bí ẩn. Và dù chúng ta có
định hướng cho tác phẩm của mình theo chiều hướng tư duy nào đi chăng nữa thì chúng ta
cũng cần phải tôn trọng những sử liệu quan trọng vì nó vừa mang một ý nghĩa đặc thù của đạo
Phật vốn đã tồn tại lâu đời trong kho tàng lịch sử Phật giáo, lại vừa mang tính lưu bố phổ biến
rộng rãi trong sinh hoạt truyền thống của đạo Phật.
       Chẳng hạn như khi chúng ta ghi nhận những chi tiết ấn tượng về ngày Thái tử Tất Đạt
Đa chào đời (tức lịch sử đức Phật đản sanh), thì tất nhiên chúng ta không thể không nhắc đến
hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa, khi vừa mới sinh ra, Ngài đã bước bảy bước trên bảy đóa sen
hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và thốt lên: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.
Bởi trên thực tế sinh hoạt trong các đại lễ Phật đản diễn ra hằng năm, thì việc hài nhi Tất Đạt
Đa bước bảy bước trên bảy đóa sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất… đã trở thành một
trong những biểu tượng cao quý thiêng liêng và mang tính truyền thống trong ngày Đại lễ này.
Hoặc như khi Thái tử Tất Đạt Đa vừa được sanh ra dưới gốc cây Vô Ưu (Asoka) bên bờ hồ
Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thì liền được Long Vương phun nước tắm. Trong lần tham quan chiêm
bái những thánh tích tại xứ Phật, tôi đã từng đến tại bờ hồ nổi tiếng này. Thế nhưng những chi
tiết thú vị này ít được các nhà nghiên cứu Phật học để tâm đến. (kèm ảnh)
       Do vậy điều quan trọng là chúng ta phải xử lý những thông tin mang tính đặc thù của đạo
Phật đó như thế nào, sao cho vừa phù hợp với quan điểm của mình, vừa không mất đi tính
truyền thống của Phật giáo, vì đây là điều mà thế giới đã mặc nhiên công nhận.
       Theo sự tích đức Phật Đản Sanh, khi Thái tử Tất Đạt Đa vừa mới chào đời, Thái tử đã
bước bảy bước trên bảy đóa sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và thốt lên: “Thiên
thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Hay khi Ngài mới được sinh ra liền được Long Vương phun
nước tắm… Qua những sự tích này, phải chăng đây là những câu chuyện mang đầy tính huyền
sử của một tôn giáo; mầu nhiệm và bí ẩn về một nhân vật siêu phàm? Hay đây là biểu hiện
thiêng liêng siêu việt của một thánh nhân xuất thế?

                                                                                            20
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ
Đức Phật và Con đường giác tuệ

More Related Content

What's hot

Phat dang 2016
Phat dang 2016Phat dang 2016
Phat dang 2016Lee Ngọc
 
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải Đáp
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải ĐápHoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải Đáp
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải ĐápPhát Nhất Tuệ Viên
 
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh   chú giảiBát nhã ba la mật đa tâm kinh   chú giải
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giảiHoàng Lý Quốc
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)Phật Ngôn
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 2
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 2Nguồn suối trong tâm tánh   tập 2
Nguồn suối trong tâm tánh tập 2Hoàng Lý Quốc
 
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNGÝ Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNGhoanhi27
 
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộMẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộtam1984
 
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHDIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHĐỗ Bình
 
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Phật Ngôn
 
D oi net ve phat giao
D oi net ve phat giaoD oi net ve phat giao
D oi net ve phat giaoHao Ha
 

What's hot (20)

Phat dang 2016
Phat dang 2016Phat dang 2016
Phat dang 2016
 
HIẾU KINH - KHỔNG TỪ
HIẾU KINH - KHỔNG TỪHIẾU KINH - KHỔNG TỪ
HIẾU KINH - KHỔNG TỪ
 
Nghiep Luc Va Nguyen Luc
Nghiep Luc Va Nguyen LucNghiep Luc Va Nguyen Luc
Nghiep Luc Va Nguyen Luc
 
5 điều tu luyện của sinh mạng
5 điều tu luyện của sinh mạng5 điều tu luyện của sinh mạng
5 điều tu luyện của sinh mạng
 
Quang minh trí tuệ
Quang minh trí tuệQuang minh trí tuệ
Quang minh trí tuệ
 
Ý NGHĨA NGŨ GIỚI
Ý NGHĨA NGŨ GIỚIÝ NGHĨA NGŨ GIỚI
Ý NGHĨA NGŨ GIỚI
 
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải Đáp
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải ĐápHoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải Đáp
Hoat Phật Sư Tôn Chú Giải Nhất Quán Đạo Nghi Vấn Giải Đáp
 
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh   chú giảiBát nhã ba la mật đa tâm kinh   chú giải
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải
 
Đại Đạo Tam Bảo
Đại Đạo Tam BảoĐại Đạo Tam Bảo
Đại Đạo Tam Bảo
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 1 (Khải Thiên)
 
Nguồn suối trong tâm tánh tập 2
Nguồn suối trong tâm tánh   tập 2Nguồn suối trong tâm tánh   tập 2
Nguồn suối trong tâm tánh tập 2
 
Phat tucanbiet4 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phat tucanbiet4 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCPhat tucanbiet4 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phat tucanbiet4 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNGÝ Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG
Ý Nghĩa Phật Xuất Gia - HT THÍCH TRÍ QUẢNG THUYẾT GIẢNG
 
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộMẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời giác ngộ
 
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINHDIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH
 
Tu đạo tu tâm thiên
Tu đạo tu tâm thiênTu đạo tu tâm thiên
Tu đạo tu tâm thiên
 
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
Hoa Vô Ưu Tập 7 (Thích Thanh Từ)
 
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
D oi net ve phat giao
D oi net ve phat giaoD oi net ve phat giao
D oi net ve phat giao
 
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-1 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 

Viewers also liked

Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack Kornfield
Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack KornfieldThien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack Kornfield
Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack KornfieldViet Hung Nguyen
 
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu Ricard
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu RicardNghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu Ricard
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu RicardViet Hung Nguyen
 
Khuyên người niệm Phật 2
Khuyên người niệm Phật 2Khuyên người niệm Phật 2
Khuyên người niệm Phật 2Nguyen Ha Linh
 
Khuyên người niệm Phật 3
Khuyên người niệm Phật 3Khuyên người niệm Phật 3
Khuyên người niệm Phật 3Nguyen Ha Linh
 
Khuyên người niệm Phật 1
Khuyên người niệm Phật 1Khuyên người niệm Phật 1
Khuyên người niệm Phật 1Nguyen Ha Linh
 
Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5The Golden Ages
 
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.Nguyen Ha Linh
 
Chanhanhphuc
ChanhanhphucChanhanhphuc
Chanhanhphuctam1984
 
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9https://www.facebook.com/garmentspace
 

Viewers also liked (12)

Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack Kornfield
Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack KornfieldThien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack Kornfield
Thien quan con duong cua tue giac - Joseph Goldstein va Jack Kornfield
 
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu Ricard
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu RicardNghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu Ricard
Nghe thuat thien dinh | Thien su Matthieu Ricard
 
Khuyên người niệm Phật 2
Khuyên người niệm Phật 2Khuyên người niệm Phật 2
Khuyên người niệm Phật 2
 
Khuyên người niệm Phật 3
Khuyên người niệm Phật 3Khuyên người niệm Phật 3
Khuyên người niệm Phật 3
 
Khuyên người niệm Phật 1
Khuyên người niệm Phật 1Khuyên người niệm Phật 1
Khuyên người niệm Phật 1
 
Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5Mot linh hon nhieu the xac a5
Mot linh hon nhieu the xac a5
 
Di chua de lam gi
Di chua de lam gi Di chua de lam gi
Di chua de lam gi
 
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.
Kinh nghiệm niệm Phật và những chuyện luân hồi.
 
Chanhanhphuc
ChanhanhphucChanhanhphuc
Chanhanhphuc
 
Thiền
ThiềnThiền
Thiền
 
Luật nhân quả
Luật nhân quả Luật nhân quả
Luật nhân quả
 
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9
Phân tích tình hình tài chính công ty cổ phần thăng long số 9
 

Similar to Đức Phật và Con đường giác tuệ

Nhan Thuc Phat Giao.doc
Nhan Thuc Phat Giao.docNhan Thuc Phat Giao.doc
Nhan Thuc Phat Giao.docklv087
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trienHung Duong
 
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi cs dieu am
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi   cs dieu amKinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi   cs dieu am
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi cs dieu amHuong Vo
 
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfnhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfstyle tshirt
 
Tam ly dao_duc
Tam ly dao_ducTam ly dao_duc
Tam ly dao_ducHung Duong
 
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMTParamita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMTFaTaMuTu
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục BiênẤn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục BiênGarena Beta
 
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIên
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIênẤn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIên
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIênGarena Beta
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Phật Ngôn
 
Batnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthongBatnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthongĐỗ Bình
 
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápĐịa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápNhân Quả Luân Hồi
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Phật Ngôn
 
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)Phật Ngôn
 

Similar to Đức Phật và Con đường giác tuệ (20)

Giao ancn cusi-1
Giao ancn cusi-1Giao ancn cusi-1
Giao ancn cusi-1
 
Nhan Thuc Phat Giao.doc
Nhan Thuc Phat Giao.docNhan Thuc Phat Giao.doc
Nhan Thuc Phat Giao.doc
 
Rmth va phat_trien
Rmth va phat_trienRmth va phat_trien
Rmth va phat_trien
 
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬTLỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
 
Giao ancn cusi-2
Giao ancn cusi-2Giao ancn cusi-2
Giao ancn cusi-2
 
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi cs dieu am
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi   cs dieu amKinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi   cs dieu am
Kinh nghiem niem phat va nhung chuyen luan hoi cs dieu am
 
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfnhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
 
Tam ly dao_duc
Tam ly dao_ducTam ly dao_duc
Tam ly dao_duc
 
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMTParamita   Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
Paramita Con Đường Đi Tới - Nhuận Đạt TMT
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục BiênẤn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
 
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIên
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIênẤn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIên
Ấn Quang Pháp Sư GIa Ngôn Lục Tục BIên
 
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên
 
Phat tucanbiet3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phat tucanbiet3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCPhat tucanbiet3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Phat tucanbiet3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Batnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthongBatnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthong
 
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...
Đề tài: Tư tưởng triết học của phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống ...
 
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápĐịa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
 
Phật giáo và mục tiêu giáo dục công bằng xã hội trong kinh điển nguyên thủy
Phật giáo và mục tiêu giáo dục công bằng xã hội trong kinh điển nguyên thủyPhật giáo và mục tiêu giáo dục công bằng xã hội trong kinh điển nguyên thủy
Phật giáo và mục tiêu giáo dục công bằng xã hội trong kinh điển nguyên thủy
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
 
Bát Nhã Tâm Kinh
Bát Nhã Tâm KinhBát Nhã Tâm Kinh
Bát Nhã Tâm Kinh
 
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)
Bát Nhã Tâm Kinh (Osho)
 

Đức Phật và Con đường giác tuệ

  • 1. THÍCH HUỆ THÔNG ĐỨC PHẬT VÀ CON ĐƯỜNG TUỆ GIÁC NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA SÀI GÒN - 2010
  • 2. TT THÍCH HUỆ THÔNG MỤC LỤC Lời tựa PHẦN1: HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT Chương 1: Đôi nét về tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời Đức Phật. Chương 2: Đôi nét về tư tưởng triết học tại Ấn Độ thời Đức Phật. Chương 3: Hoàn cảnh chính trị xã hội Ấn Độ thời Đức Phật ra đời. PHẦN 2: SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT Chương 1: Thái tử Tất Đạt Đa chào đời (Đức Phật đản sanh). Chương 2: Nguồn gốc Thái tử Tất Đạt Đa. Chương 3: Niên đại Đức Phật đản sanh, vấn đề đến nay vẫn chưa thống nhất. Chương 4: Thái tử Tất Đạt Đa – tuổi thơ và thời niên thiếu. Chương 5: Thái tử Tất Đạt Đa trưởng thành và xuất gia. Chương 6: Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật. Chương 7: Đức Phật nhập Niết Bàn. PHẦN 3: HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH Chương 1: Thời thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Chương 2: Giáo lý căn bản và thực tiễn tu hành mà Đức Phật đã dạy. Chương 3: Đức Phật thâu nhận đệ tử và thành lập Giáo hội Tỳ kheo. Chương 4: Thành lập Giáo hội Tỳ kheo ni. Chương 5: Nguồn gốc an cư tịnh nghiệp đạo tràng. Chương 6: Sự hoằng pháp của Đức Phật đối với các vị vua. PHẦN 4: NHÂN CÁCH VĂN HÓA CỦA ĐỨC PHẬT Chương 1: Những đặc điểm tâm lý của Đức Phật. Chương 2: Nhân cách văn hóa của Đức Phật. Chương 3: Cách ứng xử của Đức Phật với quốc gia. Chương 4: Cách ứng xử của Đức Phật với những người quyền quý. Chương 5: Cách ứng xử của Đức Phật với những người cùng khổ. Chương 6: Cách ứng xử của Đức Phật với những người phụ nữ. Chương 7: Cách ứng xử của Đức Phật với loài vật. PHẦN 5: NHỮNG ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC ĐẾN ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI TỪ NGUỒN TUỆ GIÁC CỦA ĐỨC PHẬT Chương 1: Đạo Phật với nền hòa bình nhân loại. Chương 2: Đạo Phật với môi trường sinh thái. Chương 3: Những lời vàng của Đức Phật. 2
  • 3. TT THÍCH HUỆ THÔNG LỜI TỰA Tính đến nay, đạo Phật đã tồn tại và phát triển trên hành tinh này trên 2550 năm, dù có lúc thịnh lúc suy, có lúc thăng lúc trầm, nhưng ánh sáng giác ngộ của đạo Phật vẫn không ngừng soi sáng con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Một điều hiển nhiên nữa, bất cứ nơi nào ánh sáng trí tuệ và suối nguồn yêu thương từ bi vô hạn của đức Phật soi rọi đến, thì nơi đó, bóng đêm si mê ám chướng được xua tan, hận thù ân oán đối với chúng sanh được hóa giải, đời sống tinh thần của từng cá thể được quân bình ổn định, đời sống xã hội thêm phồn vinh hạnh phúc, đời sống nhân loại nhờ đó được hòa bình an lạc. Cuộc đời của đức Phật đã ghi đậm dấu ấn nhân bản cao thượng và nhân văn sâu đậm trong tâm khảm loài người trên toàn thế giới; giáo pháp của ngài đã ảnh hưởng một cách rộng lớn, thiết thực, lâu dài và vô cùng lợi ích trong đời sống con người. Tinh thần từ bi và trí tuệ của một bậc giác ngộ như đức Phật của chúng ta quả có sức ảnh hưởng sâu sắc đến lợi lích và đời sống của nhân loại. Mục đích sâu xa và ý nghĩa thiêng liêng về sự ra đời của đức Phật chính là nhằm khai hóa ánh sáng trí tuệ và khơi nguồn yêu thương trong đời sống nhân loại một cách toàn diện và triệt để. Về điều này, chúng tôi cho rằng, chỉ có cách phát triển trí tuệ và tâm từ bi một cách triệt để trong đời sống mỗi con người, đánh động lương tri và phát triển tình yêu thương một cách toàn diện trong đời sống cộng đồng, thì chúng ta mới có thể mang lại an lạc thật sự cho nhân loại, mang lại hòa bình lâu dài bền vững cho thế giới. Sự thị hiện lòng từ bi giáo hóa chúng sanh của đức Phật rất gần gũi, rất thực tế, rất tự nhiên và giàu cảm xúc, điều này đã tác động sâu xa vào tâm thức con người. Sự thị hiện đó, dù xảy ra cách nay đã trên 2550 rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn thấy giáo pháp của Ngài là rất khoa học và không hề bị lỗi thời. Nay thông qua giáo pháp, ánh sáng trí tuệ và suối nguồn yêu thương chúng sanh vô hạn của đức Phật đã và đang dần dần truyền sang mỗi chúng ta. Khi chúng ta mở lòng, tiếp nhận nguồn tuệ giác và thọ cảm đại bi tâm từ nơi đức Phật, thì bắt đầu từ trong tiềm thức sâu xa và trong tâm hồn sâu lắng của mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều, cũng sẽ hình thành nên một nhân cách sống đạo để chuyen hóa nghiệp lực bản thân. Nhân cách văn hóa đặc thù tâm linh này cũng sẽ góp phần chuyển hóa đời sống còn nhiều khổ đau của nhân loại, mà chúng tôi cho rằng, nó rất cần thiết cho đời sống xã hội trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nền tảng, là tiền đề để giới Tăng Ni Phật tử nói riêng và toàn xã hội nói chung, cùng nhau chung tay tích cực góp phần xây dựng nên một thế giới an lạc, hòa bình lâu dài và bền vững. Nhìn lại lịch sử hoằng hóa độ sanh của đức Bổn Sư, chúng ta vô cùng cảm kích trước công đức trí tuệ và lòng từ bi yêu thương chúng sanh của Ngài. Từ lúc hành đạo cho đến thời khắc nhập niết bàn, đức Phật đã tùy căn cơ mà hóa độ chúng sanh không hề ngưng nghỉ. Có thể nói rằng, hết thảy dòng tư tưởng và nguồn minh triết trên thế gian này thảy đều trở nên bại hoại và hư huyễn một khi đối mặt trước trí tuệ siêu phàm và giáo pháp thâm sâu vi diệu của đức Phật. Điểm nổi bật tràn đầy cảm xúc nơi giáo pháp của Ngài, đó là sự thương tưởng đến chúng sanh, cụ thể là luôn hướng đến nỗi đau bất hạnh của nhân loại, tùy căn cơ trình độ mỗi người, Ngài đã đưa ra những phương pháp giúp họ vượt thoát khổ đau luân hồi sanh tử, như Ngài đã từng dạy: “Nước trong bốn bể chỉ có một vị, đó là vị mặn. Giáo pháp mênh mông của Như Lai cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Mà thật vậy, đối với hàng vua chúa, đức Phật đã dạy họ hãy làm phước thiện, bố thí cúng dường, cách ứng xử đạo nghĩa trong gia đình cũng như quan hệ ngoài xã hội; đối với Phật tử tại gia, Ngài trao truyền Tam quy, Ngũ giới, dạy hành Thập Thiện, tu Bát Chánh Đạo; đối với người xuất gia, ngài giảng về pháp môn Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên; đối với hàng thượng căn thượng trí, Ngài tuyên bày Bát Nhã, trực chỉ Tánh Không. Ngài đã phương tiện từ thấp đến cao, tự cạn đến sâu, tùy căn cơ, tùy nghiệp lực… Ngài đều ban rải từ tâm, giáo hóa đến hơi thở cuối cùng, khiến hằng hà vô lượng chúng sanh được giác ngộ giải thoát. Đức Phật thị hiện trên cõi đời này dưới hình thức một con người, ngài muốn chứng minh rằng con người có một địa vị tối tôn tối thắng trong thế giới muôn loài và trung tâm của vũ trụ. Tuy nhiên ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy rằng, dù con người có khôn ngoan bao nhiêu đi chăng nữa, dù nhân loại có đạt đến đỉnh cao của nền văn minh như thế nào đi chăng nữa, mà tâm hồn vẫn còn chứa đầy tham, sân, si, ái, ố , hỷ, nộ, vẫn còn nhân, ngã, bỉ, thử… thì nhân loại trên thế giới 3
  • 4. TT THÍCH HUỆ THÔNG này vẫn còn hận thù, vẫn còn bất an đau khổ. Đồng thời đức Phật cũng đã chỉ cho chúng ta biết rằng, con người không những chỉ thông minh uyên bác mà còn có thể đạt đến Tuệ Giác do quá trình tu tập giác ngộ, chứ không phải nhờ vào sự thông minh học hỏi. Trí tuệ từ sở học càng đạt đến đỉnh cao thì cố chấp càng lớn, ngã mạn càng tăng, ngược lại, nhờ Tuệ Giác mà chúng ta có thể loại bỏ thói hư tật xấu, chuyển hóa vô minh, phá trừ ngã chấp… Nhờ có Tuệ Giác mà chúng ta mới thấy được tự tánh của các pháp là vô thường, vô ngã… Chính nhờ Tuệ Giác mà chúng ta thấy rằng, giữa chúng ta và muôn loài luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau như ruột thịt, do vậy chúng ta mới biết thương yêu nhau, bảo vệ cho nhau, chung sống với nhau trong ngôi nhà hòa bình trên thế giới. Còn ngược lại thì thế giới mãi là bãi chiến trường đầy dẫy đua tranh, hận thù, bất an, đau khổ… Đức Phật ở trong tôi cũng là một con người bằng xương bằng thịt, trong lòng cũng tràn đầy cảm xúc, ngài cũng sinh ra và rồi cũng giã từ cõi đời này cũng như bao con người khác trên thế gian, chứ không phải là một siêu nhân hay một đấng thần linh được tô vẽ đươm nhiều màu sắc tín ngưỡng hoang đường và bí ẩn. Nếu có khác chúng ta chăng, thì ngài là một con người viên mãn về đạo đức và trí tuệ, bởi ngài là con người đầu tiên trên thế giới này nhận ra chân tướng của nhân sinh vũ trụ và nơi chân tâm ngài tròn đầy đức hạnh từ bi hỷ xa. Từ những cảm nhận sâu sắc về thâm ân của đức Phật đối với bản thân tôi cũng như đối với thế giới loài người, hoài bão của tôi là sẽ cố gắng biên soạn một bộ sách khiêm tốn về cuộc đời và giáo pháp của đức Phật. Do để tâm đến việc này nên tôi đã tập hợp lại các bài mà tôi đã thuyết giảng tại các pháp hội suốt mười mấy năm qua và nhất là trước cơ duyên đại lễ Phật Đản LHQ 2008, Ban Trị Sự THPG tỉnh Bình Dương đứng ra tổ chức Hội thảo Khoa học Phật giáo chủ đề “Đạo Phật Với Xã Hội Công Bằng Dân Chủ Và Văn Minh”, trong dịp này, với tư cách là chủ tọa, tôi cũng đã nhiệt tình đóng góp cho hội thảo bản tham luận “Đôi điều về nhân cách văn hóa của đức Phật và những ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân loại từ giáo pháp của Ngài”. Có thể nói nhân duyên này đã tạo thêm nguồn cảm hứng và thôi thúc bản thân tôi hoàn thiện hoài bão mà bấy lâu nay hằng ấp ủ. Cuốn sách này có tựa đề “Đức Phật và con đường tuệ giác”, cùng với những cảm nghĩ mà chúng tôi trình bày trên đây cũng đã nói lên toàn bộ chủ đích và nội dung của sách. Do đó chúng tôi không bàn đến những truyền thuyết mang tính phi lịch sử bao quanh cuộc đời đức Phật. Mặc khác, từ trước đến nay, đã có rất nhiều sách viết về cuộc đời đức Phật, tuy nhiên phần nhiều chỉ chú trọng đến sử liệu thậm chí khai thác về tính linh thiêng huyền bí của cuộc đời đức Phật, chính vì vậy mà nội dung rất dễ bị khô khan, đồng thời khó phát huy được tính truyền cảm trung thực về cuộc đời đức Phật vốn sinh động và rất gần gũi với đời sống con người. Do vậy, trong cuốn sách này chúng tôi đã kết hợp tính nghiên cứu thông qua các sử liệu đáng tin cậy về lịch sử đức Phật và tính khảo luận thông qua những lợi ích thiết thực mà con đường tuệ giác đã mang lại cho đời sống nhân loại. Trong phần khảo luận, xuất phát từ cảm nhận của cá nhân và quan sát trên đời sống thực tế nên khó tránh khỏi chủ quan sơ xuất, do vậy chúng tôi rất cần sự cảm thông chia sẻ của bạn đọc. Đối với các loại sách biên soạn về nhân vật lịch sử như về cuộc đời đức Phật chẳng hạn, về sử liệu, đa phần sách soạn sau trùng lặp sách soạn trước, nếu khác chăng là ở phương pháp hệ thống có khoa học hay chưa để giúp cho người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin và điều quan trọng nhất là ở mục đích biên soạn sách. Như đã trình bày ở trên, mục đích chúng tôi biên soạn sách này là mong muốn được tôn vinh và tán thán đức Phật một cách gần gũi với đời sống con người, bởi đức Phật cũng là một con người bằng xương bằng thịt như tất cả chúng ta, khác chăng ngài là một con người đã giác ngộ. Với lòng từ bi vô hạn, ngài đã đem sự giác ngộ của bản thân để hóa độ những người chưa giác ngộ như chúng ta, điều này có nghĩa, chúng ta sẽ theo học giáo pháp của đức Phật, hành trì theo lời dạy của ngài để được giác ngộ như ngài. Chính những suy nghĩ như vậy, đối với chúng tôi, nhân cách của đức Phật là biểu hiện về một nhân cách sống, một sự sống có ý nghĩa tuyệt vời nhất trong thế giới loài ngưòi, nó hiện hữu nơi một con người bằng xương bằng thịt trên thế gian này cách đây trên 2.550 năm. Cuốn “Đức Phật và con đường tuệ giác” được chia thành 5 phần. Ba phần đầu ghi nhận lại cuộc đời của đức Phật, suốt quá trình từ đản sanh cho đến thành Phật, hoằng hóa độ sanh và nhập niết bàn. Trong ba phần đầu chủ yếu thiên về sử liệu, tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách uyển chuyển tạo cảm giác dễ gần cho người đọc. Hai phần sau chúng tôi nói về nhân cách văn hóa của đức Phật thông qua cách ứng xử với con người, với thế giới 4
  • 5. TT THÍCH HUỆ THÔNG xung quanh và những ảnh hưởng tích cực từ nguồn tuệ giác của đức Phật đến đời sống nhân loại. Trong hai phần này, chúng tôi cố gắng diễn đạt mối tương quan mật thiết giữa giáo pháp của đức Phật với đời sống thực tế của nhân loại. Vì đây là một cuốn sách viết về lịch sử đức Phật có nguồn gốc xuất xứ từ kinh tạng Pali thuộc hệ Phật giáo Nam Tông, nên có rất nhiều danh từ riêng và thuật ngữ Phật học dùng theo tiếng Pali, để bạn đọc dễ dàng theo dõi nội dung sách, chúng tôi sử dụng các từ ngữ đã phiên âm tiếng Việt, còn tiếng Pali hay Sanskrit chúng tôi chỉ để trong ngoặc đơn và chỉ mở ngoặc một lần đối với danh từ riêng đó. Ví dụ: Lâm tì ni (Lumbini) Câu thi na (Kusinara) hay Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu)… Dù chỉ là công việc nghiên cứu, chắt lọc và hệ thống, nhưng đối với chúng tôi việc thực hiện cuốn sách này quả là một thách thức, một công việc tưởng chừng khó có thể hoàn thành trong hoàn cảnh bản thân còn rất nhiều Phật sự phải gánh vác. Thế nhưng thật hạnh phúc đối với chúng tôi vì cuối cùng ấn phẩm cũng đã hoàn thành. Riêng đối với chúng tôi, cuốn sách viết về cuộc đời đức Phật và giáo pháp của Ngài, còn là một công trình văn hóa mang ý nghĩa thiêng liêng, bởi đây là ấn phẩm rất đặc biệt nhằm kỷ niệm ngày khánh thành tượng đài đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài nhất Việt Nam, đặt tại Trung tâm Phật học Bình Dương vừa mới xây dựng hoàn thành tại chùa Hội Khánh. Nay cuốn sách “Đức Phật và con đường tuệ giác” được ra mắt bạn đọc xa gần, thiết nghĩ dù còn rất khiêm tốn và không tránh khỏi những mặt hạn chế nhất định, nhưng chúng tôi cho rằng, đây cũng là một viên gạch nhỏ đóng góp thêm vào ngôi nhà văn hóa Phật giáo nước nhà. Hy vọng đây cũng sẽ là một món quà bổ ích và thật sự có ý nghĩa dành cho những ai để tâm nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và giáo pháp của đức Phật. Chùa Hội Khánh, kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn Rằm tháng 2 năm Canh Dần. PL.2554. DL.2010 Thượng tọa Thích Huệ Thông 5
  • 6. TT THÍCH HUỆ THÔNG PHẦN MỘT HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT CHƯƠNG MỘT ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO ĐÃ CÓ TẠI ẤN ĐỘ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT Đối với người Việt Nam chúng ta, nhất là đối với giới Phật tử, khi nói đến đất nước Ấn Độ, chúng ta liên tưởng ngay đó là cái nôi thiêng liêng của đạo Phật, nơi đức Phật đản sinh, hoằng pháp độ sanh và muôn nghìn điều kỳ diệu xoay quanh cuộc đời đức Phật cho đến khi ngài nhập niết bàn. Tuy nhiên ít ai biết Ấn Độ còn là cái nôi rất lớn của các hệ phái tư tưởng siêu nhiên và tôn giáo huyền bí có mặt rất sớm trên thế giới này. Lịch sử Phật giáo ghi chép, trước thời đức Phật ra đời, so với các nền văn hóa khu vực và vùng phụ cận thì văn hóa Ấn Độ đã phát triển tới một trình độ khá cao. Kết quả này là nhờ tư tưởng sáng tạo và tính năng động thực tiễn của người Arya. Như chúng ta đã biết, Ấn Độ là một quốc gia bao gồm nhiều sắc tộc và ngôn ngữ nhất trên hành tinh này, dù là một quốc gia có rất nhiều sắc tộc, nhưng mọi sự chi phối liên quan đến đất nước Ấn Độ vào thời đó đều lệ thuộc vào hai sắc tộc chính, đó là sắc tộc bản địa Dravida có nước da nâu, tầm vóc thấp bé, đặc điểm là mũi tẹt di truyền của người châu Á và sắc tộc chiếm cư Arya có nguồn gốc lâu đời từ Đông Âu với nước da trắng, tầm vóc cao lớn, họ có cái mũi rất cao và thẳng, điều này rất dễ phân biệt với người bản địa Dravida. Khởi nguồn, giống người Arya cư trú tại miền Trung Á, (Trung ương Á Tế Á) họ sống bằng nghề du mục, sau đó họ vượt qua dãy núi Hin đu (Hindukush) rồi thẳng tiến xuống vùng Đông Nam. Một bộ phận người Arya di chuyển về hướng Tây Nam, tức nước Ba Tư (nay là Iran), bộ phận còn lại tiếp tục di chuyển xuống hướng Đông Nam, xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ ở phía Tây Bắc. Khi đó người Arya đánh đuổi người dân bản địa Dravida để chiếm vùng Parijab, thuộc thượng lưu sông Indus. Từ đó giống người này được gọi là dân tộc Arya Ấn Độ. Sau khi chiếm được Panjab, chinh phục được người Dravida, người Arya liền bắt tay xây dựng, biến phần lớn đất nước Ấn Độ trở thành một xã hội rất phồn thịnh, kinh tế xã hội lúc bấy giờ rất phát đạt, đặc biệt về mặt văn hóa tư tưởng, dân tộc Arya Ấn Độ này đã sáng chế ra bộ kinh điển Lê Câu Phệ Đà, chúng ta thường gọi là Vệ Đà (Rg Veda) gồm 1208 khúc thánh ca gói gọn trong 40 quyển. Trong hệ thống thư tịch kinh điển nhân loại, có thể nói, bộ kinh Vệ Đà được xem là một trong số rất hiếm nguồn tư tưởng triết học cổ đại xuất hiện khá sớm trên hành tinh này. Đây cũng chính là nguồn tư tưởng văn hóa mang đậm dấu ấn tôn giáo siêu hình đã được hình thành vào thời kỳ đầu tiên của Bà La Môn giáo, ước tính cách nay khoảng 1500 năm trước công nguyên. Xét về nội dung, kinh điển Vệ Đà, đa phần là những bài tán thán ca ngợi quyền năng của thượng đế và những vị thần linh tràn đầy tính thần thoại huyền hoặc, tuy nhiên trong toàn bộ 6
  • 7. TT THÍCH HUỆ THÔNG kinh Vệ Đà cũng ẩn chứa tư tưởng chiều sâu về nhân sinh và vũ trụ, điều này đã mở đầu cho nền văn minh triết học Ấn Độ, đây cũng là cơ sở để cho người đời sau phát triển trào lưu tư tưởng dưới các hình thái cách tân hay ở một chiều sâu tư duy có nhận thức đúng hướng và lý luận thực tiễn với đời sống con người hơn. Cũng cần nói thêm, nếu nói hệ thống kinh điển của đạo Phật (cả Nam tông và Bắc tông) được hình thành từ ánh sáng trí tuệ do sự tu hành chứng ngộ thật tướng nhân sinh vũ trụ của đức Phật, thì kinh điển Vệ Đà, dù xuất hiện trước thời đức Phật tại thế trên cả ngàn năm, nhưng đó chỉ là sản phẩm của sự tư duy lẫn ước vọng khát khao được khám phá thế giới siêu hình của những người Arya Ấn Độ. Trong chiều sâu của đời sống nội tâm, những tư tưởng gia, triết học gia thời Ấn Độ cổ đại gần như bị lẩn quẩn xoay quanh trong vòng tâm thức của chính mình, vì thế sự chấp nhận một đấng thượng đế siêu hình thiêng liêng hiện diện trong tâm thức họ để họ tôn thờ xưng tán là điều hiển nhiên không có gì phải nói. Có thể nói đây là một biện pháp để tự trấn an và cũng là để phó thác vận mệnh của mình cho thần linh thượng đế của đại bộ phận loài người khi chưa có ánh sáng giác ngộ soi rọi đến, khi chưa có đường hướng tu tập giải thoát cho bản thân mỗi con người. Tuy nhiên chính nguồn tư tưởng tôn giáo này cộng thêm sự phấn khích do quá ảo tưởng về những cảnh giới siêu nhiên đã phát khởi nên nguồn tri thức tâm linh sơ khai. Những nhà tư tưởng tôn giáo đã chuyển tải nguồn tri thức ấy vào những bài đạo ca được dàn trải trong kinh Vệ Đà, nhằm tôn vinh tán thán thượng đế và các đấng thần linh với nội dung mang đầy tính huyền hoặc và bí ẩn, đồng thời cũng rất thụ động và lệ thuộc. Dù sao, cách đây trên 3500 năm, thì tinh thần và nội dung của kinh Vệ Đà cũng đã nói lên được tính chiêm nghiệm cũng như khát khao hướng về những cảnh giới siêu hình và cũng đã bộc phát lên được nguồn tri thức tâm linh cao cả mà con người thời đó đang sở hữu. Chính những điều này đã làm cho kinh Vệ Đà trở thành một thư tịch văn hóa cổ quan trọng của nhân loại nói chung và là một tạng kinh thư tối cổ của Ấn Độ nói riêng. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được một cách chính xác kinh Vệ Đà xuất hiện tại Ấn Độ vào thời đại nào, nhưng theo các tài liệu lưu hành phổ biến thì chúng ta có thể tạm chấp nhận là kinh Vệ Đà xuất hiện tại Ấn Độ cách nay khoảng 1500 năm trước công nguyên. Ngự trị trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Ấn qua gần 5 thế kỷ, tư tưởng Vệ Đà được xem là nguồn tư tưởng tôn giáo thiêng liêng thuộc thời kỳ thứ nhất của Bà La Môn giáo, cũng dần dần lùi bước nhường chỗ cho thời kỳ có tính cách canh tân trong tư tưởng tôn giáo thuộc thời kỳ thứ hai của Bà La Môn giáo ra đời. Đó là thời kỳ tư tưởng Phạm Thư (Bràhmanas) hay còn gọi là thời đại Bà La Môn, xuất hiện cách nay khoảng 1000 năm trước công nguyên. Đặc điểm xã hội Ấn Độ vào thời kỳ này là sự hùng mạnh của dân tộc Arya Ấn Độ. Sau khi ổn định và phát triển nhiều vùng lãnh thổ, họ tiến về phía Đông, lần lượt đánh chiếm rộng thêm các vùng đồng bằng phì nhiêu dọc theo bờ sông Hằng, nơi dân tộc bản địa Dravida và các dân tộc thiểu số Ấn Độ khác đang sinh sống. Sau khi bình ổn những vùng này, họ nhanh chóng bắt tay vào việc canh tác cấy cày, lấy nông nghiệp làm nền kinh tế chủ lực, các thủ lĩnh dân tộc Arya Ấn Độ chia nhau lãnh địa rồi xưng vương, đặt ra các chức quan lại để trị vì, bắt người thứ dân nghèo khó của các dân tộc khác làm nô lệ. Xã hội Ấn Độ bấy giờ chia làm bốn giai cấp bất bình đẳng. Đứng đầu là giai cấp Bà La Môn chủ trương truyền bá đạo Bà La Môn sâu rộng trong tầng lớp nhân dân và đảm nhận tổ chức thực hiện các nghi lễ thờ cúng tôn giáo. Giai cấp cao quý thứ hai là giai cấp Sát Đế Lợi (Ksatriya) gồm vua quan và hoàng tộc, đây là giai cấp nắm quyền thống trị, điều hành xã hội. Kế đến là giai cấp bình dân Tỳ Xá (Vaisya) gồm những thường dân sống bằng nghề làm nông, tiểu thủ công và buôn bán. Cuối cùng là giai cấp Thủ Đà La (Sùdra) là những người nô lệ, trong đời sống họ không có một quyền hạn nào cả, kể cả quyền được làm người, được xem là giai cấp thấp hèn hạ liệt nhất trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Chính vì chủ trương việc truyền bá đạo Bà La Môn và rất chú trọng công việc tế lễ thờ cúng, nên những nhà tư tưởng Bà La Môn giáo đã sáng chế ra kinh điển Phạm Thư, trong đó họ chú thích và thuyết minh để làm sáng tỏ ý nghĩa kinh điển Vệ Đà. Nếu nội dung kinh Vệ Đà là những bài ca mang tính thần thoại, trong đó bao hàm tư tưởng về vũ trụ quan và nhân sinh quan, thì nội dung tư tưởng tôn giáo trong kinh sách Phạm Thư toàn bộ lại mang đậm tính chất thần học. Nhìn vào tư tưởng Phạm Thư, chúng ta sẽ thấy trong đó được chia ra làm ba giai đoạn rất trình tự. Giai đoạn đầu lấy Đấng Sáng Tạo (Prajapati) được xem là đấng tạo ra thế giới vạn vật làm trung tâm. Theo tinh thần Phạm Thư 7
  • 8. TT THÍCH HUỆ THÔNG thì cái gốc sinh ra vũ trụ, trời đất, hư không, thần mặt trời, thần gió, thần lửa, con người và vạn vật được gọi chung là Đấng Sáng Tạo, cũng gọi là Thần tối cao hay là Thượng đế tối cao. Qua đó chúng ta có thể xếp giai đoạn đầu thuộc về quan niệm sáng tạo. Giai đoạn thứ hai, tư tưởng Phạm Thư lấy Đại Ngã (Bràhaman) làm trung tâm, ở giai đoạn này Đại Ngã thay thế Đấng Sáng Tạo chi phối các vị thần linh, nó được xác lập trên hai phương diện, vừa duy trì bản chất bất biến bất động của bản thân, vừa hoạt động theo hai yếu tố Danh (Nàma) và Sắc (Rùpa) triển khai hoạt động mọi loài mọi vật đang tồn tại. Giai đoạn thứ ba, lấy Tự Ngã (Àtman) làm trung tâm. Tư tưởng Phạm Thư cho rằng Đại Ngã hay Tự Ngã vốn đồng một thể, nó chỉ khác nhau tên gọi mà thôi. Đại Ngã là nói về vũ trụ còn Tự Ngã là nói về yếu tố tinh thần cũng như tâm lý của con người. Căn cứ vào tư tưởng tôn giáo của kinh sách Phạm Thư thì tâm lý thuộc về linh hồn bất diệt, nghĩa là khi Tự Ngã lìa hẳn thân xác này thì linh hồn con người được trở về với Đại Ngã. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng tư tưởng Phạm Thư dù được phát triển trên nền tảng tư tưởng Vệ Đà, dù vẫn còn bế tắc lẫn quẩn trong phạm trù tư tưởng nhưng nó đã phần nào thể hiện ý chí đột phá trong tâm thức của người Ấn Độ thời cổ đại trong xu hướng chiêm nghiệm chân tướng nhân sinh vũ trụ. Nối tiếp tư tưởng Phạm Thư là tư tưởng Áo Nghĩa Thư (Upanishad) được hình thành trong khoảng 700 năm trước công nguyên. Đây là nguồn tư tưởng thuộc thời kỳ thứ ba của Bà La Môn giáo. Nội dung tư tưởng Áo Nghĩa Thư nói về lý tưởng giải thoát trên nền tảng Phạm Ngã đồng nhất. Trong đó lý tưởng giải thoát cũng được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tư tưởng Áo NghĩaThư nêu lên việc đi tìm lối giải thoát thì phải hướng vào nội tâm chứ không thể hướng ra bên ngoài mà được, tư tưởng này cho rằng tự giác là nhân của giải thoát và bất giác là nhân của luân hồi. Giai đoạn thứ hai, tư tưởng Áo Nghĩa Thư hướng dẫn con người cần phải an trụ vào nội tâm và phát huy phần trí tuệ thì mới có thể đạt đến trạng thái giải thoát của tâm hồn. Giai đoạn thứ ba, Áo Nghĩa Thư chú trọng đến phương pháp tu Du già (Yoga) để an định tâm hồn và phát huy trí tuệ. Theo Áo Nghĩa Thư thì một tín đồ Bà La Môn giáo nếu dựa theo trình tự tu tập như thế này thì chân ngã sẽ hiển bày, nếu tu hành liên tục và rốt ráo thì Tự Ngã sẽ trở thành Đại Ngã, tức là Phạm Ngã đồng nhất thể, khi đó hành giả sẽ chấm dứt kiếp sống luân hồi, đạt được cảnh giới giải thoát của tâm hồn. Đây là nguồn tư tưởng được xem là kết quả của sự chiêm nghiệm có tư duy tương đối đúng hướng của những nhà tư tưởng triết học theo đạo Bà La Môn thời bấy giờ. Dù Áo Nghĩa Thư được hình thành trước thời đức Phật khoảng hai thế kỷ và còn cách xa với chân lý giác ngộ của đức Phật, nhưng qua đó có thể nói rằng, tư tưởng Áo Nghĩa Thư quả là một sự chuyển mình vượt bậc và khá sớm trong tư tưởng giải thoát tìm về đời sống tâm linh của người Ấn Độ cổ đại. Nói về các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời đức Phật, nhiều nhà nghiên cứu chỉ chú trọng đến hai thời kỳ chính hình thành nên nguồn tư tưởng triết học căn cơ của Bà La Môn giáo. Đó là thời kỳ tư tưởng Vệ Đà và thời kỳ tư tưởng Áo Nghĩa Thư mà thường bỏ qua thời kỳ Phạm Thư, có lẽ họ xét thấy không cần thiết phải đi sâu vào phần chuyển tiếp này vì cho rằng tư tưởng Phạm Thư chẳng qua chỉ là phần chú thích và thuyết minh về kinh điển Vệ Đà. Tuy nhiên theo suy nghĩ của chúng tôi thì tư tưởng Phạm Thư là phần mô tả cụ thể nhất về chủ nghĩa thần học, đây là nền tảng để họ quay về Tự Ngã và cũng là nền tảng để những nhà triết học Bà La Môn tiếp tục cho ra đời tư tưởng Áo Nghĩa Thư có chiều sâu tư duy và chiêm nghiệm dày dặn hơn như chúng tôi đã nói ở trên. Chúng tôi thiết nghĩ một khi đã đề cập đến các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời đức Phật, thì cũng nên liệt kê sao cho tương đối đầy đủ và hệ thống lại một cách trình tự hơn. Qua tham khảo nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy, thì ngoài kinh Vệ Đà (khoảng 1500 năm trước CN) được xem là tài liệu tối cổ của văn hóa Ấn Độ, thì bên cạnh đó chúng ta còn thấy có các bộ kinh Yajurveda, Sàmaveda và Atharvaveda cũng được xem là các thánh kinh của Bà La Môn giáo. Khoảng 500 năm sau (khoảng 1000 năm trước CN) xuất hiện kinh Phạm Thư (Bràhmana). Sau đó mới xuất hiện các bộ kinh Àranyakas và Áo Nghĩa Thư (khoảng 700 trước CN). Trong suốt chặng đường phát triển nguồn tư tưởng tôn giáo tại Ấn Độ trải dài trên tám trăm năm, nhìn chung chỉ có bộ Áo Nghĩa Thư là toát lên được tinh thần cải cách chiều hướng tâm linh, là nền tảng cho một bộ phận tín đồ Bà La Môn giáo và giới trí thức đương thời hướng đến con đường giải thoát cụ thể hơn. Tại đất nước Ấn Độ, Áo Nghĩa Thư được xem là lá cờ đầu của phong trào đi tìm tự do cho đời sống tâm linh. Khi nhìn lại khởi đầu sự tu hành của Thái tử Tất Đạt Đa một cách khách quan, chúng ta sẽ nhận thấy, chính đời sống tu hành của các đạo sĩ Bà La Môn đã từng cuốn hút Thái tử Tất 8
  • 9. TT THÍCH HUỆ THÔNG Đạt Đa vào con đường tu hành ép xác khổ hạnh và cũng chính tinh thần Áo Nghĩa Thư đã hấp dẫn Thái tử Tất Đạt Đa vào con đường tu hành thiền định theo lối tu Yoga của Bà La Môn giáo. Quả thật thú vị vì cũng nhờ trải nghiệm qua vô số phương pháp tu hành của Bà La Môn giáo với hệ quả không mấy sáng sủa nên cuối cùng Thái tử Tất Đạt Đa đã quay về với con đường trung đạo, tự tìm hướng đi giải thoát cho bản thân mình. Lịch sử đức Phật ghi lại rằng, sau khi theo các đạo sĩ Bà La Môn tu hành ép xác và thực hành các pháp thiền định Yoga, dù ngài rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn không thành tựu. Cuối cùng Thái tử đã từ bỏ lối tu ép xác và ăn uống trở lại bình thường, nhờ đó sức khỏe dần dần hồi phục. Từ đó Thái tử đã chiêm nghiệm ra rằng, chỉ đi theo con đường trung đạo và thiền định có chánh kiến thì mới có thể đạt được mục tiêu giác ngộ tối thượng. Sau khi rời bỏ những đạo sĩ Bà La Môn mà ngài đã thọ giáo trước đây, Thái tử đã đến bên bờ sông Ni Liên Thuyền và ngồi xuống dưới cội cây Tất Bà La hay còn gọi là Bồ đề (Bodhi), theo tư thế ngồi kiết già (hoa sen). Khung cảnh ngoạn mục bên bờ sông Ni Liên đã làm cho ngài cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nơi đây có không gian thoáng đãng đã làm êm dịu giác quan và phấn khích tinh thần ngài rất cao. Trong một không gian trong lành, mát mẻ, yên tỉnh, vắng lặng, nhất là với một sức khỏe đã hồi phục và một ý chí kiên cường bất khuất, Thái tử đã tập trung hết tinh thần, dồn mọi nỗ lực công phu thiền định, nhờ đó ngài đã gột rửa, thanh lọc làm cho tâm trở nên trong sạch vắng lặng tận cùng. Bằng công phu thiền định ngài lần lượt chứng nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền rồi đến tứ thiền. Khi tâm đã thanh tịnh cùng tột, ngài đã vận dụng thiền Minh Sát Tuệ (Vipassanà Bhàvanà) quán sâu vào cảnh giới thanh tịnh của tâm. Ngài đã vận dụng Thiền Minh Sát Tuệ không ngừng nghỉ, trải qua suốt 49 ngày đêm. Cuối cùng ngài đã chứng được thực tướng của vạn pháp, sáng tỏ được nghĩa như của bổn tâm, thấy rõ các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã (Anicca, Dulclckha, Anattà). Chính nhờ thiền định và thiền quán, ngài đã thấu triệt thật tướng nhân sinh vũ trụ. Vị Thái tử ở nước Ấn Độ ấy, chính là đức Phật, một hiện thân tích cực đã hoàn thiện bước đi tìm lại cội nguồn bản thể của con người. Ở đây chúng ta nhận thấy, trên bước đường tìm đạo giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi, Thái tử Tất Đạt Đa đã thể hiện hai giai đoạn tu tập thiền. Đầu tiên là phương pháp thiền theo cách tu tập Yoga của Bà La Môn giáo, sau đó là phương pháp tu tập thiền định Minh Sát Tuệ để đi đến giải thoát. Với phương pháp sau cùng, ngài đã đạt được kết quả vô cùng mỹ mãn, chứng ngộ bản tâm thanh tịnh của chính mình, thành bậc Đẳng Chánh Giác. Sở dĩ chúng tôi đề cập đến các nguồn tư tưởng tôn giáo đã có tại Ấn Độ trước thời đức Phật cũng như tư tưởng triết học tại Ấn Độ thời đức Phật trong chương đầu sách này vì nhận thấy các nguồn tư tưởng tôn giáo và triết học có một mối liên hệ rất mật thiết với từng bước đường hành đạo của Thái tử Tất Đạt Đa, cũng qua đó để quý Phật tử có sự so sánh tính ưu việt rốt ráo trong giáo pháp của đức Phật với các nguồn tư tưởng của các đạo giáo tại Ấn Độ. CHƯƠNG HAI ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC TẠI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT RA ĐỜI Khi nói đến tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, chúng ta cần nên hiểu một cách phân minh rằng, nền tư tưởng triết học đó thực chất là nguồn sữa trưởng dưỡng và nuôi lớn đời sống tinh thần của các tín đồ Bà La Môn giáo, cho nên trong khoảng thời gian này chúng ta cũng có thể nói tư tưởng triết học cũng chính là tư tưởng tôn giáo, hay nói một cách chuẩn xác hơn thì đó là những tư tưởng Bà La Môn giáo. 9
  • 10. TT THÍCH HUỆ THÔNG Trong khoảng thời gian dài gần cả một ngàn năm, các tư tưởng Bà La Môn giáo, từ Vệ Đà, Phạm Thư cho đến Áo Nghĩa Thư thực sự đã làm chủ tể và là linh hồn trong mọi hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Ấn. Cho đến vào khoảng 600 năm trước công nguyên trở về sau này, khi các thế lực chính thống của Bà La Môn giáo trở nên suy yếu hẳn đi, thì sự chi phối có tính chất độc quyền của tư tưởng Bà La Môn giáo mới chựng lại và nhường chỗ cho nhiều luồng tư tưởng triết học tôn giáo mới ra đời. Đọc qua triết học Ấn Độ và tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ cùng với một số kinh điển và sử liệu Phật giáo, chúng tôi nhận thấy rằng, đỉnh cao trong hệ tư tưởng của Bà La Môn giáo chính là tư tưởng Áo Nghĩa Thư, ngoại trừ kinh sách Phật giáo ra và nếu làm một phép so sánh với các tư tưởng triết học đã có mặt tại Ấn Độ thời bấy giờ thì Áo Nghĩa Thư quả là một pho sách chứa đựng tư tưởng tâm linh thâm sâu hơn cả. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, các đạo sĩ Bà La Môn họ vẫn chưa khai thác triệt để tinh thần Áo Nghĩa Thư vào đời sống tu tập, không những vậy họ còn duy trì và phát triển các truyền thống có tính chất hủ lậu và lỗi thời trong tư tưởng Vệ Đà, họ tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giữa tập cấp có đặc quyền và các tập cấp hạ tiện yếm thế. Diễn biến này kéo dài gần hai thế kỷ, cho mãi đến khi đức Phật ra đời, chỉ có một bộ phận nhỏ nhoi đạo sĩ Bà La Môn là thú hướng vào tư tưởng Áo Nghĩa Thư phát triển con đường tu tập, còn phần đông chức sắc và tín đồ Bà La Môn giáo đã chuyển hẳn sang hình thức tế lễ chuyên nghiệp. Trước sự kiêu mạn của các tu sĩ Bà La Môn, cộng thêm với những tốn kém vô tội vạ phục vụ việc cúng tế đã khiến cho tín đồ Bà La Môn và những người thật tâm muốn tìm cầu đời sống giải thoát tâm linh đều trở nên bất mãn. Một điều cũng dễ dàng nhận thấy nữa là, tập cấp Bà La Môn đã luôn tận dụng các buổi thiết lễ tế đàn kéo dài nhiều ngày và các hình thức cúng tế phổ biến trong đời sống làm công cụ chèn ép moi móc tiền tài phẩm vật của quần chúng nhân dân một cách hết sức vô lý. Trong thời kỳ này, những tu sĩ Bà La Môn kiêu mạn trở nên những kẻ sống an nhàn vương giả bởi cuộc sống của họ chỉ biết trục lợi trên sự mê muội và yếm thế của người dân. Chính sự độc quyền của tập cấp Bà La Môn và sự bất mãn tột độ của người dân đã làm cho không khí xã hội lúc bấy giờ trở nên ngột ngạt khó thở, đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều học thuyết mới ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng tìm hướng đi cho đời sống tâm linh của người dân Ấn Độ đang trong tình trạng bế tắc. Và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu đã khiến cho các thế lực chính thống của Bà La Môn giáo không còn ở thế đứng thượng phong trong việc độc quyền chân lý, tập cấp Bà La Môn vì vậy mà ngày càng trở nên suy yếu. Trước bối cảnh này, vô số học thuyết tư tưởng triết học tôn giáo đã bừng nở, ngoài những trường phái tư tưởng triết học vẫn còn chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của hệ tư tưởng bà La Môn giáo mà chúng tôi sẽ đề cập đến, thì nổi bật lên có Kỳ Na giáo và Lục Sư Ngoại Đạo phái. Kỳ Na giáo (Jaina) hay còn gọi là đạo Kỳ Na, do giáo chủ có tên là Đại Hùng (Vardhamana) sáng lập ra. Kỳ Na giáo chủ trương thuyết Vật Hoạt Luận và tư tưởng triết học căn bản của đạo này là Thực thể (Dravaya). Thực thể chia ra làm hai trạng thái: Sinh mệnh (Java) và Phi sinh mệnh (Ajava). Theo học thuyết này, Sinh mệnh bao gồm lý trí và tình cảm còn Phi sinh mệnh được phân chia thành năm thứ: Không (Akasa), Pháp (Dharma), Phi pháp (Adharma), Vật chất (Pudgala) và Thời gian (Kala). Trong đó Không dung chứa hết mọi nơi mọi chốn, Vật chất là nhục thể, Pháp là nguyên lý vận động, Phi pháp là nguyên lý đình chỉ, Thời gian là nguyên lý biến hóa. Tư tưởng Kỳ Na giáo cho rằng yếu tố Sinh mệnh và Phi sinh mệnh gắn kết với nhau nên từ đó sinh ra phiền não. Do có phiền não nên không thoát khỏi vòng luân hồi. Vì mong muốn thoát khỏi vòng luân hồi nên Kỳ Na giáo chủ trương lấy khổ hạnh làm mục đích tôn chỉ để tu hành. Tư tưởng Kỳ Na giáo còn có chủ trương lối sống Bất tổn sanh (Ahimsha) được xem là điểm gần gũi và tương đồng với tinh thần từ bi Bất sát của đạo Phật. Cũng trên chủ thuyết Vật Hoạt Luận, Kỳ Na giáo quan niệm vũ trụ vốn là một vật thể có cấu trúc rộng lớn không ngằn mé và phụ thuộc vào các chu kỳ vô tận của thời gian. Theo kinh điển của Kỳ Na ghi chép lại rằng, mỗi chu kỳ thời gian sẽ bao gồm một nửa tiến bộ và một nửa thoái bộ. Trong từng nửa chu kỳ sẽ có 24 người chiến thắng xuất hiện làm đại sư để dẫn dắt loài người đi tới con đường giải thoát. Cũng theo kinh này thì người chiến thắng đầu tiên trong nửa chu kỳ đầu là Rashabha, vị này đã tạo ra nền văn minh, dạy nhân loại hướng đến con đường giải thoát và sống đến sáu trăm ngàn năm. Lần lượt đến người chiến thắng thứ 23 là Parshva xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 9 trước công nguyên, vị này đã có công thiết lập nên các đoàn thể tu hành. Và Đại Hùng là người chiến thắng thứ 24 được môn đồ Kỳ Na giáo xem là 10
  • 11. TT THÍCH HUỆ THÔNG vị giáo chủ sáng lập ra đạo Kỳ Na. Theo truyền thống của đạo Kỳ Na thì các tín đồ có nhiệm vụ thờ phượng 24 vị giáo chủ đã chiến thắng trong nửa chu kỳ qua. Đối với giáo chủ Đại Hùng thì tín đồ Kỳ Na giáo rất thành kính trọng vọng vì ngài là vị chiến thắng gần đây nhất, đồng thời họ xem ngài là vị giáo chủ quyền năng và mẫu mực để họ noi theo. Nói về Lục sư ngoại đạo, đối với người học Phật, chắc có lẽ chúng ta cũng đã từng một lần nghe nhắc đến danh từ này, nhất là trong những lúc trao đổi chuyện trò với một người ngoại đạo có lý luận càn gở đến nỗi khiến chúng ta phải bực mình, hoặc có khi chúng ta bị bắt bí không trả lời được, khi đó chúng ta thường cho rằng mình gặp phải Lục sư ngoại đạo! Điều này chứng tỏ trong cảm nghĩ chúng ta thường cho rằng Lục sư ngoại đạo vừa rất ngông cuồng, vừa rất tài giỏi trong biện minh lý luận đồng thời cũng rất sở trường các món thần thông biến hóa. Như vậy Lục sư ngoại đạo là ai? Họ có thực sự tài giỏi như vậy không? Có lẽ đây là cơ hội mà chúng ta sẽ được giải đáp một cách thỏa đáng nhất khi để tâm tìm hiểu qua về Lục sư ngoại đạo. Căn cứ vào kinh điển và sử liệu Phật giáo thì lúc Phật tại thế có sáu nhà ngoại đạo chủ trương sáu lý thuyết khác nhau nên trong kinh điển Phật giáo thường gọi họ là Lục sư ngoại đạo. Đại cương về lý thuyết của sáu phái ngoại đạo này như sau: 1. Phái Phú Nan Đà Ca Diếp (Pùrama Kàssápa): Đây là phái chủ trương thuyết ngẫu nhiên, họ không tin luật nhân quả, cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của con người chỉ là ngẫu nhiên. Chính vì vậy mà họ không biết gieo nhân thánh thiện tránh nhân bất thiện, khi họ gặp may mắn thì sung sướng, gặp chuyện bất trắc thì bất an sầu khổ. Đạo Phật gọi phái này là ngoại đạo “Vát vô nhân quả”. 2. Phái Mạt Già Lê Câu Xá Lợi (Makkhali Gosàla): Phái này chủ trương thuyết tự nhiên, cũng có nghĩa là không tin luật nhân quả, họ cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của con người cũng chỉ là tự nhiên mà sinh, tự nhiên mà diệt, không do ảnh hưởng của bất cứ một nguyên nhân nào cả. Đạo Phật gọi phái này là “Tà mệnh ngoại đạo”. 3. Phái A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La (Ajitakesa Kambali): Phái này chủ trương thuyết duy vật luận, họ cho rằng thân thể con người là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) kết hợp mà thành, nên khi con người chết đi thì tứ đại trở về tứ đại. Thuyết này không đề cập đến tâm linh hay linh hồn, do vậy họ không chú trọng đến phương diện tinh thần hay đạo đức, chính vì vậy mà mục đích sống của họ là chỉ để hưởng thụ khoái lạc thân xác mà thôi. Họ được gọi là phái “Khoái lạc ngoại đạo”. 4. Phái Bà Phù Đà Ca Chiên Diên (Pakhdha Katyàyana): Phái này chủ trương thuyết sinh mệnh và vật chất đều bất hoại, họ cho rằng tất cả các loài vật trên thế gian này được tạo thành là nương vào sự hòa hợp của bảy yếu tố đất, nước, gió, lửa, vui, khổ, mạng sống. Họ cho rằng sự sinh tử chỉ là một chu kỳ tụ hay tán của bảy yếu tố nêu trên, mà bảy yếu tố đó thì thường trụ bất diệt, nên họ không xem trọng việc sinh tử. Do vậy mà phái này được gọi là phái “Tà kiến ngoại đạo”. 5. Phái Tán Nhạ Gia Tỳ La Lê Tử (Anjaya Belatthiputta): Phái này chủ trương thuyết tu định, họ cho rằng chân lý cũng có thể biến đổi, nên không cần phải tu đạo mà chỉ nên tu tập thiền định. Vì đưa ra học thuyết quái gở này nên họ được xem là phái “Ngụy biện ngoại đạo”. 6. Phái Ni Kiền Đà Nhã Đề tử (Nigantha Nàtaputta): Phái này chủ trương tu khổ hạnh, họ cho rằng mọi họa phúc, sướng khổ, vui buồn của con người đều do tiền nghiệp tiền căn đã định, do vậy muốn thoát ra khỏi tiền nghiệp đó thì cần phải tu hành khổ hạnh mới mong được giải nghiệp. Chính vì vậy mà phái này được gọi là phái “Khổ hạnh ngoại đạo”. Trên đây chúng tôi đã tóm lược những học thuyết, chủ trương của Kỳ Na giáo và Lục sư ngoại đạo phái. Dù học thuyết của Kỳ Na giáo rất mơ hồ huyền hoặc và chủ trương của Lục Sư Ngoại Đạo phái rất tà kiến ngụy biện, nhưng có một điểm đáng lưu ý ở đây là các chủ trương học thuyết này hoàn toàn độc lập, không hề chịu bất cứ ảnh hưởng nào của tư tưởng Bà La Môn. Đây là dấu ấn đánh dấu sự khởi đầu của trào lưu tư tưởng triết học mang tính tự do đi tìm chân lý của người dân Ấn Độ, thoát hẳn khỏi sự kìm tỏa bởi tư tưởng của Bà La Môn giáo đã có tại Ấn Độ hàng ngàn năm qua. Như chúng tôi đã nói, khi các thế lực chính thống của Bà La Môn giáo không còn ở thế độc quyền chân lý, tập cấp Bà La Môn ngày càng trở nên suy yếu. Trước bối cảnh này, vô số học thuyết tư tưởng triết học tôn giáo đã bừng nở, ngoài các chủ trương học thuyết mang tính độc lập tự phát như Kỳ Na giáo và Lục Sư Ngoại Đạo phái mà chúng tôi đã trình bày, thì còn có sáu trường phái tư tưởng triết học vẫn còn chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của hệ tư 11
  • 12. TT THÍCH HUỆ THÔNG tưởng bà La Môn giáo vừa ra đời. Lược sử và đại cương của sáu trường phái triết học này như sau: 1. Trường phái triết học Chính Lý (Nyàya): Thủy tổ của trường phái triết học Chính Lý là ngài Túc Mục (Aksapàda). Phái triết học này thuộc hệ đa nguyên luận, lấy kinh điển Nyàya Sùtra làm căn bản hành trì. Về quan niệm nhân sinh, học thuyết chủ trương lấy sự giải thoát khổ đau làm phương châm sống ở đời và tu đạo. Trọng tâm của triết học Chính Lý cho rằng, sự khổ tồn tại nơi bản thân nơi mỗi con người trên thế gian này mà nguyên nhân được sinh ra (Janma) là do tác nghiệp (Pravrtti), lại cho rằng tác nghiệp sẽ làm cơ sở phiền não (Dosa) dấy khởi, mà phiền não là căn bản của vô tri (Mithyajnàna), vậy muốn lìa khổ thì phải diệt vô tri, diệt được vô tri thì sẽ được giải thoát (Nihsreyasa) an vui. Mới nhìn qua chúng ta sẽ nhận thấy lý thuyết này có điểm tương đồng lý Thập Nhị Nhân Duyên trong Phật giáo, tuy nhiên chiêm nghiệm kỹ càng chúng ta sẽ thấy nó vẫn chưa rốt ráo và cũng chưa trình bày rõ quan điểm giải thoát và giác ngộ. Chẳng hạn giải thoát cái gì? Giác ngộ cái gì?... Đứng trên phương diện lý luận thì phái Chính Lý có phương pháp lập luận rất chặt chẽ, sâu sắc, có thể nói rằng nó độc đáo hơn cả Tam đoạn luận của Aristote, bởi vì phương pháp lý luận của phái này, ngoài Tôn (Pratijanà), Nhân (Hetu), Dụ (Udàhadana) họ còn có thêm hai chi Hợp (Upanaya) và Kết (Nigamana) tỏ ra rất chắc chắn vững vàng. Chính nhờ sự sâu sắc chặt chẽ trong phương cách lập luận này mà về sau đã được các hai bậc luận sư lỗi lạc cao thâm trong Phật giáo là ngài Thương Yết La Chủ (SanKàra Svamin) và ngài Trần Na (Dìgna) làm cho hoàn chỉnh rốt ráo và đó cũng là cơ sở hình thành nên môn luận lý học sau này. Môn luận lý học này trong Phật giáo gọi là Nhân minh luận. 2. Trường phái triết học Thắng Luận (Vaisésika): Tổ sư khai sáng ra trường phái Thắng Luận là ngài Ca Nan Đà (Kanàda). Tư tưởng của phái triết học này được xây dựng trên quan điểm lập trường tự nhiên luận để giải thích các hiện tượng trong vũ trụ. Có sử liệu ghi chép, phái này chủ trương thuyết “Thanh thường trụ” (ý nói âm thanh thường còn bất biến) và xem đó là khám phá cao siêu thời bấy giờ. Về phương diện thế giới quan thì phái Thắng Luận thường y cứ nơi kinh Vaisesika Sùtra làm căn bản lý luận. Trong kinh Vaisesika Sùtra nêu ra sáu phạm trù: Thực cú nghĩa (Dravya Padàrtha), Đức cú nghĩa (Guna Padàrtha), Nghiệp cú nghĩa (Karma Padàrtha) , Đồng cú nghĩa (Sàmànya Padàrtha), Dị cú nghĩa (Visésa Padàrtha) và Hòa hợp cú nghĩa (Samavàya Padàrtha). Theo thuyết này, đầu tiên người ta chỉ quan sát vạn vật ở phần cụ thể, tức những gì có thể nắm bắt được, mà bỏ qua những phần trạng thái, tính chất, vận động, sở dĩ như vậy là nhằm đạt tới khái niệm thực thể của vạn hữu. Để thuận theo nguyên lý này thì phải y cứ vào phạm trù thứ nhất là Thực cú nghĩa. Các phạm trù khác trong kinh Vaisesika Sùtra cũng nêu ra những lập luận tương ứng với từng phạm trù tương tự. Tuy nhiên trên căn bản để thuyết minh và lý giải về bản chất cũng như các hiện tượng trong đời sống, học phái này cho rằng, vạn hữu đều do ba nguyên lý “Thực, Đức, Nghiệp” (giống như ba phạm trù Thể, Tướng, Dụng trong Phật giáo) kết hợp lại mà thành. Nếu ba nguyên lý cùng quan hệ mật thiết thì lập thành Đồng cú nghĩa. Nếu ba nguyên lý đó phản đối nhau thì lập thành Dị cú nghĩa, nếu cả năm nguyên lý liên kết với nhau thì lập thành Hòa hợp cú nghĩa. Về phương diện nhân sinh quan, triết học Thắng Luận cho rằng con người được cấu thành từ bởi tám yếu tố. Trước tiên là yếu tố Tự Ngã (Àtman) với thực thể không sanh không diệt. Yếu tố thứ hai là Ý (Manas) được xem là cơ quan liên lạc giữa Tự ngã với ngũ căn. Năm yếu tố kế tiếp là Ngũ đại, nó bao gồm Đất, Nước, Gió, Lửa, Hư Không. Thuyết này lập luận rằng, ngũ căn là một dạng vật chất do ngũ đại tạo thành. Ví như Nhãn căn là do hỏa đại, Nhĩ căn là do không đại, Tỷ căn là do địa đại, Thiệt căn là do thủy đại, Thân căn là do phong đại tạo nên. Đồng thời đối tượng của ngũ căn là ngũ trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc. Trong khi đó Tự Ngã là trung tâm, còn các cơ quan khác đều phụ thuộc để nhận thức và hành động. Cùng với bảy yếu tố kể trên thì yếu tố quan trọng sau cùng là Nghiệp lực (Adrsta). Có thể nói đây là yếu tố quyết định của sự luân hồi đau khổ hay sự giải thoát an lạc của con người. Bởi theo học thuyết của trường phái này thì, do con người gieo tạo tích chứa nghiệp lực nên phải chịu cảnh luân hồi. Muốn giải thoát khỏi luân hồi thì phải tiêu diệt nghiệp. Muốn tiêu diệt nghiệp và chấm dứt nghiệp thì phải nỗ lực siêng tu khổ hạnh. Có kiên trì khổ hạnh thì mới có thể đạt đến cảnh giới giải thoát an lạc của Tự Ngã. Chính quan niệm như vậy mà những người theo trường phái triết học Thắng Luận rất chú trọng đến đời sống khổ hạnh, họ xem khổ hạnh là lối sống cao cả và là mục đích lý tưởng của sự tu hành giải thoát. 12
  • 13. TT THÍCH HUỆ THÔNG 3. Trường phái triết học Nhĩ Man Tát (Mimàmsà): Khai sáng ra phái Nhĩ Man Tát là ngài Sà Y Nhĩ Ni (Jaimini), giống như trường phái triết học Thắng Luận, phái này cũng chủ trương thuyết “Thanh thường trụ”, họ căn cứ vào kinh Mimàmsà Sùtra và rất chú trọng phương diện luân lý, đặc biệt phái này thừa hành triệt để các giới cấm (cấm chế) của đạo Bà La Môn như trong kinh Vệ Đà đã ghi chép và họ lấy đó làm phương châm sống đạo. Có thể nói phái Nhĩ Man Tát là sự kế thừa của phái Thắng Luận với sự cải cách đi sâu vào tâm hạnh vị tha hơn là những lý luận khúc chiết từ căn bản của kinh Vaisesika Sùtra. Nói về tư tưởng giải thoát, phái này lý luận rằng, trong đời sống cần phải trải lòng hy sinh chia sẻ thì ngay trong hiện tại và trong cả kiếp vị lai mới có thể đạt được một đời sống sung sướng thoải mái. Học thuyết của phái này dù thừa nhận có luân hồi tái sanh nhưng lại cho rằng không cần phải thoát ra khỏi vòng luân hồi đó, vì họ quan niệm có được hạnh phúc hay không là do sự nỗ lực hy sinh trong đời sống. Xét trên phương diện hành động trong cuộc sống thì chúng ta sẽ thấy họ rất gần gũi với tâm hạnh bồ tát của đạo Phật bởi trong một phần của sự nỗ lực hy sinh đúng mục đích và có ích, nó có thể đem lại điều tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Còn xét trên phương diện tư tưởng thì chắc hẳn là không thể nào sánh với tư tưởng giải thoát và chánh kiến trong Phật giáo được. 4. Trường phái triết học Số Luận (Sàmkhya): Sáng lập ra trường phái Số Luận là triết gia Ca Tỳ La (Kapila). Phái triết học đề xướng thuyết nhị nguyên luận, phân biệt hai yếu tố tâm linh và vật chất rất rành mạch. Yếu tố vật chất là yếu tố tạo nên vạn vật và cũng nhằm để chỉ cho sum la vạn tượng trong đời sống, đối lập với vật chất là linh hồn. Theo thuyết này thì linh hồn hoạt động tự do, khi nó kết hợp với vật chất thì tạo ra sinh vật. Họ cho rằng bản chất của linh hồn thì không thay đổi hay biến động, còn vật chất thì biến hóa vô cùng. Căn bản của sự biến hóa này là lệ thuộc vào ba tính chất Hỷ (Sattva), Ưu (Rajas) và Ám (Tamas) của linh hồn. Ba tính chất này phái Số luận gọi là ba đức (Guna), họ căn cứ vào sự quan hệ của ba đức này mà thuyết minh biện giải các hiện tượng trong thế giới. Cũng cần nói thêm, khi đề cập đến tên của vị khai sáng ra trường phái triết học Số Luận, nhiều nguồn tư liệu cho rằng, Ca Tỳ La chưa hẳn là tên thật của vị Tổ sư này mà là một danh hiệu mang tính chất tôn xưng, vì cho rằng chữ Ca Tỳ La có nghĩa là “Bào thai của vũ trụ” nằm trong một bài tụng trong Svétásvatàra Upanishad, đồng thời trong sách “Phật sở hành tán” (Buddhacarita), ngài Mã Minh (Asvaghosa) một luận sư lỗi lạc của Phật giáo Đại thừa cũng cho rằng Ca Tỳ La có nghĩa là “cha đẻ của thế giới” (Prajapati). Tuy có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể tạm chấp nhận tên của vị khai sáng ra phái Số Luân là Ca Tỳ La, vì đây là tên gọi tương đối phổ biến trong các sử liệu hiện đang lưu hành. 5. Trường phái triết học Phệ Đàn Đa (Vedànta): Vị Tổ khai sáng ra trường phái Phệ Đàn Đa là ngài Bà Đạt La Gia Na (Bàdarayana). Phái này căn cứ vào kinh Vedànta (cũng do ngài Bà Đạt La Gia Na chế tác) để lý luận và làm tôn chỉ tu tập. Về tư tưởng, phái này cho rằng, Đại Ngã là một thực thể siêu việt tối thượng và duy nhất, là tổng nguyên lý của vũ trụ và vạn hữu. Vì quan niệm như vậy, nên họ lập luận rằng, Đại Ngã bao trùm thế gian vạn hữu hay nói một cách khác hơn, khởi đầu hình thành nên thế giới này chính là từ Đại Ngã. Cũng từ Đại Ngã triển khai ra các hiện tượng trong thế giới, theo trình tự nguyên lý vận hành, khởi đầu Đại Ngã sinh ra “hư không”, “gió”, “lửa”, “nước”, “đất”. Sau đó chính sự kết hợp của năm nguyên tố căn bản này đã tạo thành vật chất trên thế gian và toàn bộ thế giới hữu tình. Cũng giống như nguồn tư tưởng lớn trong hai bộ kinh sách Phạm Thư và Áo Nghĩa Thư trong giai đoạn khởi đầu của Bà La Môn giáo, tư tưởng triết học của Phệ Đàn Đa cũng cho rằng Đại Ngã và Tự Ngã đồng nhất thể, tuy nhiên trong triển khai thì phái này có ngôn ngữ lập luận khác hơn, họ cho rằng, khi chưa sinh ra thì Tự Ngã là bào thai của Đại Ngã, khi đã sinh ra rồi thì Tự Ngã (của con người) tách hẳn khỏi Đại Ngã và có một vị trí độc lập. Vì ở trong trạng thái độc lập, nhất là do tính chất đặc thù của Tự Ngã là tư tưởng và hành vi thường tác nghiệp, từ việc tác nghiệp tạo ra vô số nghiệp, nên phải chịu trạng thái luân hồi trong vũ trụ và khổ đau nơi bản thân. Phái Phệ Đàn Đa cho rằng, hữu tình là bộ phận của Đại Ngã nên cũng đầy đủ thể tính thanh tịnh như Đại Ngã, do đó họ chủ trương, muốn giải thoát thì Tự Ngã phải tu tập để quay về Đại Ngã, khi sự tu tập tới đích thì Tự Ngã sẽ hòa nhập vào Đại Ngã, khi đó con người sẽ hết luân hồi đau khổ. 6. Trường phái triết học Du Già (Yoga): Đối với người Việt Nam chúng ta thì khi nói đến Yoga thì chúng ta liên tưởng ngay đến một phương pháp tập luyện có chút hơi hám thiền để dưỡng sinh hay rèn luyện sức khỏe. Thế như khi nghe nói đến Du Già thì có lẽ nhiều người còn mơ hồ lúng túng… Điều này chứng tỏ phương pháp thiền Yoga của Ấn Độ đã thâm nhập 13
  • 14. TT THÍCH HUỆ THÔNG khá sâu vào đời sống các nước trong khu vực. Chính vì vậy mà trong trường phái triết học Du Già này chúng tôi xin được gọi thẳng là phái Yoga để mọi người dễ tiếp nhận. Triết học Yoga có khởi nguồn sâu xa từ tư tưởng Áo Nghĩa Thư nói về lý tưởng giải thoát trên nền tảng Phạm Ngã đồng nhất thể và chủ trương thiền Yoga để giải thoát. Về sau ngài Bát Tử Xà Lê (Patanjali) đứng ra hệ thống trình tự và hoàn thiện phương pháp thiền Yoga, đồng thời chế tác ra Kinh Yoga (Yoga Sùtra) làm kim chỉ nam cho trường phái này, nên ngài Bát Tử Xà Lê được người đời tôn xưng Tổ sư khai sáng ra phái Yoga. Điều đáng tiếc là mục tiêu tối thượng của phương pháp thiền Yoga nhằm giúp cho con người được giải thoát thì hoàn toàn bất khả thi và cũng không thể nào đạt được. Nhưng dù sao thì tư tưởng triết học Yoga cũng là một trường phái có sức ảnh hưởng tương đối lớn trong đời sống nhân loại, vì cho đến tận ngày nay, khắp mọi nơi trên thế giới, sự thực hành rất phổ biến các phương pháp Yoga để dưỡng sinh, chữa bệnh hay nhiều mục đích ích lợi khác phục vụ sức khỏe cho con người vẫn tiếp tục phát triển đã nói lên điều đó. Trong quá trình tu hành, Thái tử Tất Đạt Đa cũng đã từng chịu ảnh hưởng lối tu khổ hạnh của phái Thắng Luận và nhất là phương pháp tu tập thiền của phái Yoga này. Nhân đây chúng tôi xét thấy cũng cần có đôi dòng tìm hiểu qua về thiền Yoga của Bà La Môn giáo. Phương pháp thực hành thiền Yoga được chia làm tám giai đoạn: 1-Yama: Cấm giới ( Tình yêu thương). 2-Niyama: Khuyến tu ( Tự ức chế tình dục). 3- Asana: Tọa pháp ( Điều phục thân theo vị trí nhất định). 4-Prànàỳama: Điều tức ( Kiểm tra hơi thở). 5- Pratỳakàra: Chế cảm( Điều hành tư duy). 6-Dhàrana: Chấp trì ( Chú ý). 7-Dhỳana: Tĩnh lự ( Thiền định). 8 - Samàdhi: Đẳng trì ( Tập trung tư tưởng). Về cấm giới, thì hành giả phái Yoga phải giữ năm giới cấm sau đây: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không tham lam. Phạm trù này được xếp vào ý thức thụ động. Về khuyến tu thì hành giả phải thực hiện năm việc: Thanh tịnh thân tâm, Ngăn ý, Khổ hạnh, Học tập kinh điển, Định thần. Phạm trù này được xếp vào ý thức tích cực, chủ động. Đối với các giai đoạn còn lại thì, Tọa pháp là để điều hòa thân thể, Điều tức là để điều hòa hô hấp, Chế cảm là để chế ngự ngũ căn, Chấp trì là để tập trung tư tưởng, Tĩnh lự là để lắng tâm làm cho tâm được thanh tịnh, Đẳng trì là để tâm hoàn toàn vắng lặng thanh tịnh sáng suốt. Đến giai đoạn cuối cùng này, hành giả Yoga có thể nói là đã đạt được cảnh giới Tam muội (Sammadhi). Lúc này hành giả được giải thoát tự tại. Chúng tôi thiết nghĩ, nhân đây cũng cần vắn tắt đôi dòng để phân biệt giữa thiền Yoga của Bà La Môn giáo và thiền Minh Sát Tuệ của Phật giáo. Nói về thiền Yoga của Bà La Môn giáo, căn cứ vào tám giai đoạn thực hành vừa nêu trên đây và nhất là căn cứ vào Kinh Yoga, thì phương pháp thiền Yoga chính là một phương pháp định tâm, sau đó thì an trú vào cảnh giới thanh tịnh được sinh ra từ trạng thái tâm định, hành giả Yoga công phu an trú vào định càng sâu thì sở đắc càng cao… Còn nói về thiền Minh Sát Tuệ (Vipassanà Bhàvanà) của Phật giáo, căn cứ vào kinh Maha Satipathàna thuộc Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya) thì đây là một phương pháp thiền quán, quán sâu vào trí huệ bát nhã, để tường tận thật tướng của các pháp (Vô thường, Khổ, Vô ngã), cũng như trong Bát Nhã Tâm Kinh đã dón gọn: “Hành thâm Bát nhã… Chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Độ nhất thiết khổ ách” (Đi sâu vào Trí tuệ Bát Nhã… Nhìn thấy năm ấm đều không thật… Nên vượt qua hết thảy khổ nạn). Như vậy Thiền của Phật giáo hoàn toàn không lấy trạng thái tâm định hay công phu an trú vào sự định tâm để mong đắc quả hay giải thoát được. 14
  • 15. TT THÍCH HUỆ THÔNG CHƯƠNG BA HOÀN CẢNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI ẤN ĐỘ THỜI ĐỨC PHẬT Một khi luận bàn về cuộc đời đức Phật và những ảnh hưởng tích cực từ giáo pháp của ngài đến đời sống nhân loại, chúng tôi nghĩ rằng, không thể không bàn đến hoàn cảnh chính trị xã hội Ấn Độ thời đức Phật ra đời, vì đây là những điều kiện khách quan và chủ quan đã hình thành nên nhân cách siêu việt của đấng Đại Giác. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn có diện tích 3.280.483m2, nằm ở trung tâm khu vực Nam Á, phía Bắc là dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) trải dài đến phía Nam là Ấn Độ Dương. Bắc Ấn Độ giáp Tây Tạng, Nepan, Bhutan; Đông Bắc giáp Miến Điện, Băng La Đét; Tây Bắc giáp Ápganistan và Pakistan; Tây giáp biển Ả Rập, Đông giáp vịnh Ben Gan và phía Nam giáp Ấn Độ Dương. Ấn Độ là một quốc gia đa sắc tộc và đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong sự đa dạng về sắc tộc, nổi bật lên là sắc tộc bản địa Dravida và sắc tộc chiếm cư Arya có nguồn gốc từ Đông Âu. Theo lịch sử Ấn Độ ghi chép thì người Arya có sức khỏe vượt trội hơn người bản xứ và nhất là kinh nghiệm trong chiến đấu. Điều này chứng tỏ tổ tiên lâu đời của người Arya từ Đông Âu chắc hẳn đã trải qua bao phen chinh chiến và họ luôn chiến thắng đối phương nên mới có thể có mặt ở vùng Trung Á vào trước thời kỳ này. Cũng chính nhờ lợi thế về thể chất và trình độ tác chiến, họ đã dễ dàng chinh phục người dân bản xứ Dravida. Như chúng tôi đã trình bày, khi đã chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, người Arya đã phân chia Ấn Độ thành bốn giai cấp. Đứng đầu là giai cấp Ba La Môn (Brahmin), giai cấp này hầu hết là những tu sĩ Bà La Môn, họ cho mình là được sinh ra từ miệng của Phạm Thiên, nên tự xem mình là cao quý nhất trong xã hội. Do vậy, giai cấp này đã độc quyền trong việc nắm giữ chân lý và điều hành các nghi thức tế lễ thông linh giữa họ với các thần linh. Giai cấp đứng thứ hai là Sát Đế Lợi (Ksatriya) gồm vua chúa và các vương công. Giai cấp thứ ba là Phệ Xá (Vaisya) bao gồm hầu hết giới bình dân làm các ngành nghề trong xã hội. Hạ đẳng nhất là giai cấp Thủ Đà La (Sudra) được xem là giai cấp bần cùng gồm những tiện nhân nô lệ. Bà La Môn giáo quan niệm, tập cấp Thủ Đà La vốn sinh ra là để làm nô lệ, nên họ hoàn toàn vô cảm trước nỗi khổ nhục bi thảm của tầng lớp này. Một điều đáng thương xót nữa là, tệ mạt hơn cả giai cấp Thủ Đà La, xã hội Ấn Độ thời bấy giờ còn có một bộ phận người Paria mà luật Mã Nỗ (Manu) của người Bà La Môn xếp vào hạng thấp hèn và bẩn thỉu nhất trong xã hội, họ phải chịu cảnh sống thập thò lén lút trong vòng tăm tối như những chú chuột sợ bóng dáng con người, chịu đắng cay tủi nhục gấp cả trăm lần so với những người nô lệ Thủ Đà La. Trong đời sống xã hội, nếu những người Thủ Đà La và người Paria mà phạm phải những điều luật của Bà La Môn giáo, như cãi lại lời các tu sĩ Bà La Môn, xung đột với những người thuộc tập cấp trên, lén đọc kinh sách, thậm chí đi không nhường đường hay uống chung nguồn nước giếng với người Bà La Môn chẳng hạn, thì họ phải nhận lãnh những hình phạt vô cùng dã man tàn khốc từ phía những người nắm luật của Bà La Môn giáo. Giai cấp Bà La Môn đã định chế ra bốn giai cấp trên, rồi tự đặt mình ở địa vị tối cao. Đối với những việc liên quan đến đời sống tâm linh, ba giai cấp còn lại đều phải lệ thuộc. Đặc biệt, giai cấp hạ tiện Thủ Đà La và bộ phận người Paria luôn bị xã hội Ấn Độ đương thời khinh miệt, họ bị cấm không cho dự phần vào tín ngưỡng tôn giáo, họ cũng không được pháp luật bảo hộ. Trong xã hội đương thời, có thể xếp hai giai cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi là tầng lớp thống trị và hai giai cấp bình dân Phệ Xá và tiện dân Thủ Đà La là tầng lớp bị thống trị. Cả bốn giai cấp này đều theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, như trong dân gian ta thường nói “Con vua thì được làm vua – Con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Chính vì vậy mà giai cấp thống 15
  • 16. TT THÍCH HUỆ THÔNG trị thì cứ mãi thống trị, còn giai cấp nô lệ bị trị thì cứ mãi lầm than nô lệ. Điều này đã tạo nên một xã hội luôn mâu thuẫn và bất công triền miên dai dẳng thời bấy giờ. Vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên, Ấn Độ được hình thành giống như một liên bang bao gồm nhiều tiểu quốc và các bộ tộc. Trong số nhiều tiểu quốc lúc bấy giờ, nổi bật lên có bốn vương quốc thao túng nhiều quyền lực hơn cả. Đo là Vương quốc Kiều Tất La (Kosala) đóng đô tại Xá Vệ (Savatthi), Vương quốc Vamsa đóng đô ở Kiều Thượng Di (Kosambi), Vương quốc Avanti và Vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) có thành Vương Xá (Rajagrha) nằm ở phía Nam sông Hằng. Bên cạnh những vương quốc rộng lớn và quyền thế này là những tiểu quốc và bộ tộc bé nhỏ, đó là các bộ tộc Anga (Ương Già) có thành Chiêm Ba (Campà), đối diện với nước này có bộ tộc Ly Xá Tỳ (Licchavi) có thành Phệ Xá Ly (Vesalì) nằm ở hướng Đông bắc Ma Kiệt Đà. Ngoài ra còn có các bộ tộc Kathi (Kasi), Bà Ta (Vaccha), Mạt La (Malla)… và bộ tộc Thích Ca nằm cận nhau ở phía Bắc nước Kiều Tất La, thuộc vùng Bắc Trung Ấn. Có thể nói vào thời bấy giờ Ma Kiệt Đà và Kiều Tất La là hai trung tâm văn hóa lớn đã làm rạng rỡ nền văn minh Ấn Độ. Đặc biệt, hai vương quốc này đã có rất nhiều quan hệ mật thiết với Phật giáo ngay thời Phật còn tại thế. Dù vùng Trung Á rộng lớn với quần thể vương quốc, tiểu quốc và rất nhiều bộ tộc cộng sinh cộng phát, nhưng có một điều khá thú vị là tại một trong số những bộ tộc bé nhỏ này đã trở thành thánh địa thu hút sự chú ý và hướng về của nhân loại. Đó chính là bộ tộc Thích Ca (Sakya), hay còn gọi là tiểu quốc cộng hòa Thích Ca với kinh đô là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Dù đây chỉ là một bộ tộc nhỏ bé nằm giữa ranh giới Ấn Độ và Nepal và nằm ở phía Bắc vương quốc Kiều Tất La (Kosala) nhưng đã sản sinh ra một nhân vật xuất chúng của nhân loại. Nhân vật trí tuệ kiệt xuất đó là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha), con của tiểu vương Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Maja). Về thể chế chính trị, dân tộc chiếm cư Arya cầm quyền tại Ấn Độ thuận theo chính thể cộng hòa. Trong bối cảnh chính trị xã hội đương thời, chính thể quân chủ chuyên chế đã được hình thành và phát triển tại nhiều vương quốc và các bộ tộc, nhưng chế độ cộng hòa vẫn tồn tại và phát triển mạnh ở hai vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) và Kiều Tất La (Kosala). Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bộ tộc nhỏ sống theo chính thể cộng hòa, trong đó có bộ tộc Thích Ca. Chính thể cộng hòa Thích Ca thời bấy giờ dưới quyền cai trị điều hành của hoàng tộc, đứng đầu là vua tịnh Phạn, nên việc truyền ngôi được diễn ra trong hoàng tộc. Chính vì vậy mà vua Tịnh Phạn rất trông cậy vào Thái tử Tất Đạt Đa sẽ thay mình cai quản đất nước sau này. Thế nhưng điều bất ngờ đối với vua Tịnh Phạn là Thái tử Tất Đạt Đa đã không để tâm đến ngôi vị tương lai mà dốc hết tâm chí vào con đường tu hành giải thoát. Trước tình cảnh này, bắt buộc hội đồng trưởng lão trong hoàng tộc phải nhóm họp lại để bầu ra một vị vua mới theo đúng thông lệ trưng cầu để thống nhất ý kiến cuối cùng. Trình tự thông lệ này là, sau khi có được kết quả, vị chủ tọa phải tuyên bố ba lần câu: “Ai đồng ý với kết quả này, xin giơ tay biểu quyết”. Đây là thông lệ đã tồn tại hàng ngàn năm qua trong các bộ tộc tại Ấn Độ. Cho đến nay, giới sử gia vẫn chưa tìm ra một nguồn tư liệu nào ghi nhận về diễn biến này, tuy nhiên căn cứ vào các cuộc bầu cử thông qua truyền thống lấy ý kiến của những người có uy tín ngay tại chỗ, thường diễn ra trong đời sống nhân gian, cũng đã phần nào khẳng định tính xác thực của thông lệ này. Sở dĩ chúng tôi bàn chi tiết về trường hợp này là muốn nói đến mối dây liên hệ từ những thông lệ bầu cử, bổ nhiệm, tôn vinh hay phê bình, kỷ luật ai đó của người Ấn thời xưa vẫn còn ảnh hưởng thậm chí còn thấm sâu trong sinh hoạt Tăng đoàn của đức Phật ngày xưa và cả ngày nay. Phần đông dân chúng tiểu quốc cộng hòa Thích Ca cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Vệ Đà. Vào thời đức Phật, tư tưởng Vệ Đà cùng với nhiều hệ phái triết học tôn giáo khác, đã làm cho đời sống tâm linh của người dân Ấn Độ trở nên mơ hồ và bị xáo trộn, trong khi họ rất khát khao đi tìm chân lý. Nói về tiểu quốc cộng hòa Thích Ca, quê hương của đức Phật vốn là một đất nước thuần nông. Tổ chức cơ cấu chính trị theo chế đo cộng hòa, đứng đầu là Tịnh Phạn vương. Vua Tịnh Phạn có một đội ngũ thu thuế rất mạnh đủ để mang lại nguồn ngân sách dự trữ quốc gia. Cộng hòa Thích Ca là chư hầu của đế quốc Kiều Tất La nên vua Tịnh Phạn thường phải đem cống phẩm dâng nạp hằng năm với mục đích duy trì mối giao hòa và cũng có phần nương dựa vào 16
  • 17. TT THÍCH HUỆ THÔNG thế lực của đại quốc này. Tuy nhiên dù chỉ là một nước chư hầu, nhưng cộng hòa Thích Ca vẫn luôn có một đội quân tinh nhuệ làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào nước lớn. Trong kinh điển đã mô tả khá nhiều những cuộc chiến có liên quan đến cộng hòa Thích Ca. Đức Phật đã từng dùng đức độ và tài lý luận đã hóa giải thành công cuộc chiến giữa hai bộ tộc Thích Ca và Câu Ly. Theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ nhờ vào đại từ bi lực của ngài, nên đức Phật đã cảm hóa được những người đứng đầu hai bộ tộc này biết hồi đầu hướng thiện, biết ăn năn sám hối, nhờ đó đã tránh được sự đổ máu cho vô số người dân của cả hai bộ tộc. Tuy nhiên, đến khi nổ ra cuộc chiến một mất một còn với vương quốc Kiều Tất La thì quân đội của cộng hòa Thích Ca đại bại và cuối cùng bị diệt vong. Vì nghiệp chướng quá sâu dày, hơn nữa họ không hề nhường bước hay hồi đầu hướng thiện, nên kết quả cuộc chiến diễn ra vô cùng thê thảm. Trước tình cảnh này, đức Phật cũng không thể hóa giải được vì nhân duyên nghiệp báo giữa hai dân tộc này đã đến thời trổ quả. Điều này cũng cho chúng ta thấy rằng, khi quả báo đến, nếu bản thân mỗi chúng ta không tha thiết ăn năn sám hối, dẫu là đất nước của đức Phật, phụ vương của đức Phật, thì ngài cũng không thể nào can thiệp được. Đây là triết lý nhân quả rất sâu sắc mà mỗi người con Phật cần phải xác định rõ ràng để trong cuộc sống tránh được những hậu quả thảm khốc khôn lường… Về điều này, trong kinh đức Phật cũng thường nhắc đến những cuộc chiến có liên quan đến tiểu quốc Thích Ca nhỏ bé nơi ngài sinh ra và lớn lên, nhằm dạy cho chúng ta thấm nhuần đạo lý nhân quả báo ứng trong đời sống hằng ngày. Như chúng ta đã biết xã hội Ấn Độ chia ra làm bốn giai cấp rõ rệt, về điều này chúng tôi không bàn tới nữa, mà chỉ nói thêm đôi dòng về sinh hoạt mang tính quy định bắt buộc trong nội bộ của tập cấp Bà La Môn. Các Tăng lữ Bà La Môn nắm thực quyền xã hội đã nương vào đó mà đưa ra quy định tu hành cho giai cấp mình thành bốn thời kỳ như sau: 1. Thời kỳ Phạm trí (Brahmacàrin): Đối với tín đồ Bà La Môn ở lứa tuổi niên thiếu từ 7 đến 11 tuổi, thì bắt buộc phải xuất gia theo các vị Tăng Bà La Môn để học tập kinh Vệ Đà, sau khi học xong mới được trở về nhà. 2. Thời kỳ Gia cư (Grhastha): Đến độ tuổi thanh niên là thời kỳ lập gia đình. Sau khi có gia đình thì ở nhà trông nom con cái hoặc thực hiện trách nhiệm tế tự của người gia trưởng. 3. Thời kỳ Lâm cư (vànaprastha): Đây là thời kỳ xuất gia trở lại sau khi hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Người xuất gia phải vào chốn rừng sâu để tu tập khổ hạnh và thiền định. 4. Thời kỳ Du hành (Parivràjaka): Đây là thời kỳ về già của một tín đồ. Đến thời kỳ này đòi hỏi thân tâm của một tín đồ Bà La Môn giáo phải thật sự thanh tịnh. Đặc biệt là nơi ở của họ không cố định, nên người tu ở thời kỳ này còn được gọi là Hành giả (Yati) hay Khất sĩ (Bhiksu). Người Bà La Môn giáo rất tự hào về bốn thời kỳ tu tập của đạo mình và xem đó là nếp sinh hoạt tâm linh rất lý tưởng đối với họ. Trong suốt quá trình tu hành, nếu người nào đạt đến cảnh giới giải thoát thanh tịnh thì được xã hội bấy giờ ngưỡng mộ trọng vọng… Nếu cho rằng bốn thời kỳ tu hành nêu trên là nét đặc thù của đạo Bà La Môn hay nói đúng hơn là của tập cấp Bà La Môn, thì đối với tập cấp Phệ Xá tại tiểu quốc Thích Ca cũng có những điều cần tìm hiểu. Ngoài bốn ngành nghề chính trong xã hội là Sĩ, Nông, Công, Thương; theo đà phát triển của xã hội thì tập cấp Phệ Xá cũng đã phát sinh ra những ngành nghề thủ công hoặc kỹ thuật khác, nổi bật lên có thể nói đến nghề kiến trúc xây dựng. Sở dĩ nghề kiến thiết xây dựng phát triển mạnh tại tiểu quốc Thích Ca trong thời kỳ này, là vì vua Tịnh Phạn rất chú trong đến công việc xây dựng cũng như trùng tu tái thiết. Những người thợ có sức khỏe và tay nghề cao rất được nhà vua trọng dụng, chính nhờ vậy mà nhiều công trình xây dựng có tầm cỡ quy mô được hình thành trong thời kỳ này. Đáng tiếc là tất cả đã trở thành bình địa khi xảy ra cuộc chiến giữa bộ tộc Thích Ca và đế quốc Ma Kiệt Đà vào những năm tháng về sau. Ngày nay khi chúng tôi đặt chân đến đất nước Ấn Độ, được đi tham quan một số thánh tích ghi lại dấu ấn thời đức Phật tại thế, chúng tôi chợt nhận ra những công trình kiến trúc văn hóa tâm linh đó, dù nó đã được thi công cách đây hàng mấy ngàn năm nhưng vẫn vững chãi trước thời gian và hấp dẫn du khách vô cùng. Ngoài những người thợ trong ngành nghề kiến trúc xây dựng cũng như một số nghề thủ công truyền thống khác thì xã hội Ấn Độ còn có những du ca tài tử rày đây mai đó, họ kiếm sống bằng cách cất lên tiếng hát ngợi ca những anh hùng bất tử từ những bản trường ca huyền thoại của người dân Ấn Độ. Bên cạnh những nghệ sĩ lãng tử hát rong, xã hội Ấn Độ bấy giờ 17
  • 18. TT THÍCH HUỆ THÔNG còn có những tay thảo khấu sống ngoài vòng pháp luật, đó là nỗi kinh hoàng cho những thương nhân và những người lương thiện. Ngoài thành phần bất lương đầu trộm đuôi cướp ra, còn có cả những kỹ nữ trong chốn kỹ viện hoa lâu hay những cô gái làng chơi hoạt động công khai trên đường phố… Tất cả đã làm cho bức tranh xã hội Ấn Độ đương thời trở nên muôn màu muôn vẻ… Một đặc điểm nổi bật trong xã hội Ấn Độ nói chung và trong nước cộng hòa Thích Ca lúc bấy giờ là có rất nhiều người dấn thân vào con đường tu hành, đa số đều muốn thoát ly đời sống xã hội, tìm cầu sự giải thoát giác ngộ. Đồng thời, cũng trong bối cảnh đó, xã hội Ấn Độ cũng đã xuất hiện vô số phương pháp tu hành lập dị quái lạ, tất cả đều đượm màu huyền bí và mê tín. Chẳng hạn có người thực hành cách tu đứng một chân, có người ngâm mình dưới sông suốt mùa đông lạnh giá để cầu mong chứng quả, có người ngủ ngồi suốt cả đời để mong được giải thoát, có người bện tóc suốt đời và cũng không hề vệ sinh tắm giặt như hai anh em ông Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa). Trong vô số cách tu hành lập dị đó, có lẽ quái gở hơn cả là cách tu của những vị tu sĩ chuyên bắt chước theo tập tính của loài bò và loài chó. Với cách tu này, họ tự cột sừng bò lên đầu mình, cũng ăn cỏ như bò, rồi đi lòng vòng giống như lối sống của bò, có khi rống như bò hoặc sủa như chó vậy. Trong kinh Pali cũng đã ghi chép những cuộc gặp gỡ và đối đáp giữa đức Phật với những vị hành giả lập dị có một không hai trên thế gian này... Như chúng ta đã biết, thời cổ đại, dân tộc Ấn Độ đã xem tư tưởng Vệ Đà là nguồn minh triết để giải thoát đời sống trần tục và sau đó là tư tưởng Áo Nghĩa Thư. Có điều, trải qua 8 thế kỷ chuyển hóa tư tưởng, nhưng tinh thần và tư tưởng Áo Nghĩa Thư vẫn chưa cải thiện hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp giai cấp, trong khi đó giai cấp Ba La Môn vẫn độc quyền trong việc thờ cúng tế lễ và tự cho mình quyền hạn nắm giữ chân lý. Thời bấy giờ, việc tế lễ chuyên nghiệp của những tu sĩ Ba La Môn đã chiếm hẳn những khoảng trống vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mọi người, mà đáng lý ra, đó là chỗ dành cho tinh thần suy nghiệm triết lý nhân sinh, một nhu cầu tâm linh hướng nội rất cần thiết đối với mọi người dân Ấn Độ. Việc tế lễ chuyên nghiệp đã khiến cho tu sĩ Bà La Môn trở nên kiêu căng và sống trên lợi dưỡng, điều đáng trách là họ đã sống trên quyền hạn do họ tự đặt ra và tồn tại trên sự mê muội của những người dân nô lệ. Trong thời điểm mà đời sống tâm linh có nhiều bức xúc, điều này đã khiến cho vô số tư tưởng và trường phái triết học xuất hiện. Trong đó nổi bật lên là Phật giáo, Kỳ Na giáo, Lục Sư ngoại đạo phái và sáu trường phái triết học chánh thống nối tiếp tư tưởng từ kinh Vệ Đà lần lượt khai sinh. Chính những đặc điểm tư tưởng tâm linh đa sắc thái và vô cùng phức tạp này, thì sự xuất hiện của đức Phật như là một trung tâm ánh sáng của tinh thần giác ngộ và giải thoát, đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cả bốn giai cấp đồng thời quay về quy y dưới chân đức Phật một cách tự giác tự nguyện với tâm trạng hết sức vui mừng phấn khởi. Ngay từ khi thành lập Tăng đoàn, đức Phật rất quan tâm đến phẩm hạnh đạo đức và trí tuệ chứ không hề quan tâm đến giòng dõi hay sự thông minh tháo vát của con người. Đặc biệt ngài luôn thực hiện nếp sống lục hòa bình đẳng trong Tăng chúng. Do vậy trong Tăng đoàn không hề có ý niệm về giai cấp. Bất cứ ai, dù là thành phần giai cấp nào, khi đến với đức Phật cũng đều được bình đẳng nghe pháp, để được đạt đến sự giải thoát giác ngộ rốt ráo như nhau. Đọc qua kinh điển Phật giáo, chúng ta dễ dàng cảm nhận điều này khi chứng kiến cảnh tượng và tình cảm nồng hậu mà đức Phật đã dành cho trong buổi đón tiếp ngài Ưu Ba Ly (Upàli) khi đó ngài chỉ là một tiện dân. Sau khi được đức Phật cho thế phát xuất gia, ngài Ưu Ba Ly đã nỗ lực tu hành và chứng được đạo quả, trở thành bậc “Trì Luật Đệ Nhất” trong giáo hội và là một trong mười đại đệ tử của đức Phật. Có thể nói, tinh thần bình đẳng tuyệt đối của đức Phật trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ đã nói lên một trong những tính cách siêu phàm của đức Phật. Tóm lại trong hoàn cảnh xã hội Ấn Độ đang bùng nổ các dòng tư tưởng và các tôn giáo chủ trương cải thiện đời sống tâm linh nhưng lại đang rơi vào cảnh bế tắc… thì sự xuất hiện kịp thời của đức Phật như là một vị cứu tinh không chỉ đối với người dân xứ Ấn mà còn đối với cả nhân loại. 18
  • 19. TT THÍCH HUỆ THÔNG PHẦN HAI SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT 19
  • 20. TT THÍCH HUỆ THÔNG CHƯƠNG MỘT THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA CHÀO ĐỜI (ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH) Đối với một Phật tử, khi nói đến cuộc đời đức Phật, có lẽ chúng ta không thể nào quên được cuốn truyện “Lịch sử đức Phật Thích Ca” bằng tranh, thời còn nhỏ, tôi đã được mẫu thân mua cho cuốn truyện tranh này. Càng xem, càng hấp dẫn, xem hoài vẫn không thấy chán. Ngay từ thuở bé mà cuộc đời đức Phật đã cuốn hút tôi như vậy. Khi bước sang tuổi thiếu niên, tôi lại có nhân duyên đọc được cuốn “Ánh Đạo Vàng”, nói về cuộc đời đức Phật, của cố nhà văn Võ Đình Cường. Điều đặc biệt là không chỉ có mình tôi thích đọc “Ánh Đạo Vàng” mà có rất nhiều người cũng thích đọc cuốn này. Theo tôi, có lẽ ngoài tài diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ của nhà văn Võ Đình Cường, thì sự thành công của tác phẩm này là tác giả đã khắc họa lên cuộc sống thời đại một đức Phật lịch sử vô cùng tôn nghiêm cao quý nhưng lại rất gần gũi với đời sống con người. Ngày nay đã có rất nhiều người nghiên cứu và viết về cuộc đời đức Phật nhưng thường quên những chi tiết mang tính lịch sử và truyền thống của đạo Phật. Khi chúng ta viết về lịch sử đức Phật, thiết nghĩ, dù định hướng của chúng ta là viết về một đức Phật bằng xương bằng thịt như bao con người khác trên thế gian, chứ không phải là một siêu nhân hay một đấng thần linh được tô vẽ đươm nhiều màu sắc tín ngưỡng hoang đường hay bí ẩn. Và dù chúng ta có định hướng cho tác phẩm của mình theo chiều hướng tư duy nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng cần phải tôn trọng những sử liệu quan trọng vì nó vừa mang một ý nghĩa đặc thù của đạo Phật vốn đã tồn tại lâu đời trong kho tàng lịch sử Phật giáo, lại vừa mang tính lưu bố phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt truyền thống của đạo Phật. Chẳng hạn như khi chúng ta ghi nhận những chi tiết ấn tượng về ngày Thái tử Tất Đạt Đa chào đời (tức lịch sử đức Phật đản sanh), thì tất nhiên chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa, khi vừa mới sinh ra, Ngài đã bước bảy bước trên bảy đóa sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và thốt lên: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Bởi trên thực tế sinh hoạt trong các đại lễ Phật đản diễn ra hằng năm, thì việc hài nhi Tất Đạt Đa bước bảy bước trên bảy đóa sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất… đã trở thành một trong những biểu tượng cao quý thiêng liêng và mang tính truyền thống trong ngày Đại lễ này. Hoặc như khi Thái tử Tất Đạt Đa vừa được sanh ra dưới gốc cây Vô Ưu (Asoka) bên bờ hồ Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thì liền được Long Vương phun nước tắm. Trong lần tham quan chiêm bái những thánh tích tại xứ Phật, tôi đã từng đến tại bờ hồ nổi tiếng này. Thế nhưng những chi tiết thú vị này ít được các nhà nghiên cứu Phật học để tâm đến. (kèm ảnh) Do vậy điều quan trọng là chúng ta phải xử lý những thông tin mang tính đặc thù của đạo Phật đó như thế nào, sao cho vừa phù hợp với quan điểm của mình, vừa không mất đi tính truyền thống của Phật giáo, vì đây là điều mà thế giới đã mặc nhiên công nhận. Theo sự tích đức Phật Đản Sanh, khi Thái tử Tất Đạt Đa vừa mới chào đời, Thái tử đã bước bảy bước trên bảy đóa sen hồng, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và thốt lên: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Hay khi Ngài mới được sinh ra liền được Long Vương phun nước tắm… Qua những sự tích này, phải chăng đây là những câu chuyện mang đầy tính huyền sử của một tôn giáo; mầu nhiệm và bí ẩn về một nhân vật siêu phàm? Hay đây là biểu hiện thiêng liêng siêu việt của một thánh nhân xuất thế? 20